Chim bồ câu truyền dữ liệu nhanh hơn cả đường truyền Internet cáp quang
Từng được sử dụng để vận chuyển thư tín trong suốt hàng chục thế kỷ, chim bồ câu hóa ra vẫn rất hiệu quả trong việc truyền dữ liệu so với mạng Internet cáp quang
Hơn 3.000 năm trước, con người đã phát hiện ra rằng chim bồ câu có một đặc tính vô cùng đặc biệt, Đó là khả năng xác định phương hướng rất giỏi, và dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng cũng tự tìm được đường về điểm xuất phát, dù khoảng cách có xa xôi và bị săn đuổi ráo riết đến đâu đi nữa.
Kể từ đó, con người bắt đầu huấn luyện chúng để vận chuyển thư tín, mệnh lệnh, thông tin tối mật từ nơi này đến nơi khác. Chim bồ câu được chọn làm nhiệm vụ đưa thư vì nó có thể bay hàng nghìn km hoặc hơn với tốc độ khoảng 100 km/h. Một số con có thể đạt tốc độ tới 180 km/h, giúp thông tin được gửi đi nhanh chóng.
Tuy nhiên ở thời kỳ hiện đại, khi con người có thể dễ dàng gửi dữ liệu chỉ với một vài cú click chuột nhờ sự ra đời của vệ tinh và mạng Internet, liệu rằng việc truyền thông tin bằng chim bồ câu có còn thực sự hữu dụng? Nếu đặt lên bàn cân để so sánh, thời gian để gửi dữ liệu, thông tin bằng chim bồ câu sẽ nhanh hay chậm đến cỡ nào nếu so với mạng Internet?
Kết quả bất ngờ khi chim bồ câu đối đầu với mạng Internet
Trên thực tế, để giải đáp câu hỏi trên, một thử nghiệm thú vị nhằm so sánh về tốc độ và thời gian truyền thông tin giữa chim bồ câu và mạng Internet từng được thực hiện vào năm 2009. Vào thời điểm đó, một công ty Nam Phi đã thử đo đạc thời gian và tốc độ truyền dữ liệu của một con chim bồ câu, vốn mang trên mình chiếc thẻ nhớ 4 GB, so tốc độ của dịch vụ ADSL của Telkom - một nhà mạng tại Nam Phi.
Kết quả, một con chim bồ câu đã mất khoảng 1 giờ 8 phút để bay đến địa điểm cần chuyển dữ liệu, vốn cách vạch xuất phát khoảng 60 dặm. Nếu tính thêm 1 tiếng để chuyển 4GB dữ liệu từ thẻ nhớ sang máy tính, tổng thời gian cho toàn bộ quá trình chuyển dữ liệu bằng chim bồ câu chỉ tốn khoảng hơn 2 tiếng.
Trong cùng khoảng thời gian này, dịch vụ ADSL của Telkom mới chỉ gửi (hay upload) được 4% trên tổng số 4GB lượng dữ liệu tới một máy tính khác nằm cách đó 60 dặm. Trận thi đấu này khi đó đã nhanh chóng viral khắp internet, trở thành một trong những 'huyền thoại' thường được nhắc đến khi một ai đó chê trách về tốc độ mạng Internet.
Chim bồ câu và mạng Internet tiếp tục 'tái đấu' sau 14 năm
Đáng nói, màn đọ sức giữa chim bồ câu và mạng Internet không dừng lại ở đây. Theo đó, 14 năm kể từ trận đấu đầu tiên, một trận tái đấu tương tự đã được Youtuber công nghệ Jeff Geerling nổi tiếng thực hiện mới đây.
Trong lần thi đấu này, bồ câu vẫn không có gì khác biệt so với năm 2009, khi loài chim này vẫn chưa kịp tiến hóa để có tốc độ bay nhanh hơn. Trong khi đó, tốc độ truyền dẫn Internet, đặc biệt là của mạng cáp quang vào năm 2023 lại nhanh hơn rất nhiều lần so với ADSL của 2009.
Được biết, ‘thể thức’ thi đấu cũng tương tự như năm 2009, khi Youtuber Jeff Geerling đã gắn lên chân của chú chim bồ câu ba thanh USB SSD SanDisk Extreme PRO 1TB (mỗi chiếc nặng 5g) tới một địa điểm đã được định sẵn cách đó 1 dặm.
Đáng chú ý, kết quả của trận thi đấu này tiếp tục khiến nhiều người bất ngờ, khi tốc độ và thời gian truyền dữ liệu của mạng Internet cáp quang đã bị đánh bại bởi chim bồ câu. Theo đó, chú chim bồ câu chỉ mất khoảng một phút để đến đích. Ngay cả khi cộng thêm thời gian để sao chép 3TB dữ liệu từ thanh USB sang máy tính, thành tích của chim bồ câu vẫn vượt trội so với mạng Internet cáp quang, vốn chưa đủ nhanh để có thể truyền lượng lớn dữ liệu như vậy trong thời gian ngắn.
Bản thân trận tái đấu này cũng mang tới nhiều kết luận thú vị. Theo như biểu đồ đo đạc được Youtuber Jeff Geerling thực hiện, việc sử dụng chim bồ câu để chuyển dữ liệu có thể coi là một chiến lược hiệu quả trong khoảng cách từ 1 dặm tới 600 dặm. Tuy nhiên, khoảng cách xa hơn 600 dặm, mạng Internet cáp quang mới là người chiến thắng nếu xét về thời gian hoàn thành.
Tuy nhiên, thử nghiệm của Jeff Geerling chưa dừng lại ở đây. Youtuber này muốn đưa thêm một số thử thách khác vào cuộc để tăng gia vị cho cuộc đua. Vì vậy, Jeff Geerling đã quyết định tự mang trong mình 3 chiếc USB SSD chứa 3TB dữ liệu, sau đó di chuyển bằng máy bay từ Mỹ tới đích đến là một trung tâm dữ liệu ở Canada. Bản thân Jeff Geerling cũng đã upload lượng dữ liệu tương tự tới máy chủ tới trung tâm dữ liệu này nhằm đo đạc thời gian.
Biểu đồ đo đạc cho thấy, khi di chuyển bằng máy bay, Jeff Geerling tốn ít thời gian để truyền (hay mang) 3TB dữ liệu hơn so với chim bồ câu và mạng Internet cáp quang. Tuy nhiên, sự vượt trội này chỉ kéo dài đến ngưỡng 5000 dặm. Ở khoảng cách 5000 dặm trở đi, mạng Internet cáp quang tiếp tục là người chiến thắng cuối cùng nếu xét về thời gian cần thiết để chuyển 3TB dữ liệu.
Tham khảo Tomshardware
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng