Chuyện không tưởng về "Tây Lương Nữ Quốc" đời thực: Phụ nữ nắm toàn quyền, đàn ông chỉ có giá trị "hiến tinh trùng", muốn được nuôi con thì đem lễ vật đến hỏi
Đó là vùng đất mà phụ nữ thực sự được làm chủ, hôn nhân không tồn tại và mọi thứ liên quan đến con cái đều theo huyết thống của người mẹ. Một xã hội theo chế độ mẫu hệ đúng nghĩa!
Trong lịch sử phát triển của loài người, đã có thời chúng ta sống dưới chế độ mẫu hệ, chế độ mà người phụ nữ nắm quyền lực tối cao trong dòng họ và là một trụ cột vững chắc trong gia đình. Tuy nhiên, thời gian qua đi, những quan niệm cổ xưa dần thay đổi, chế độ mẫu hệ đã "đi vào dĩ vãng", trở thành một phần trong lịch sử của tiến trình phát triển xã hội. Nhưng như vậy không có nghĩa là chế độ này đã hoàn toàn diệt vong, bởi lẽ, đâu đó trên trái đất này, vẫn còn một số bộ lạc, tộc người duy trì được nếp sống như xưa.
Trong tác phẩm Tây Du ký (Ngô Thừa Ân) thầy trò Đường Tăng vô tình viếng thăm Tây Lương Nữ Quốc, một quốc gia bí ẩn. Ở đó, đàn ông là giống sinh vật không tồn tại. Phụ nữ tự mình mang thai bằng cách uống nước sông Mẫu Tử, và rồi chỉ sinh con gái. Phụ nữ làm mọi việc, từ làm nông nghiệp đến buôn bán, từ xây dựng đến chiến đấu bảo vệ đất nước.
Những tưởng, một nơi kỳ lạ như vậy chỉ có trong truyện nhưng không ngờ ở một thung lũng thuộc tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc, gần chân núi phía đông của dãy Himalaya, lại tồn tại một bộ tộc tương tự như vậy suốt 2000 năm qua, chỉ khác rằng họ cũng có đàn ông nhưng đàn ông sống chủ yếu để... cung cấp tinh trùng.
Cảnh đẹp như tranh vẽ ở hồ Lugu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Ở nơi phụ nữ hoàn toàn làm chủ
Đó là một cộng đồng bộ lạc cổ xưa của Phật tử Tây Tạng được gọi là Mosuo, họ sống theo "lối sống hiện đại" đáng ngạc nhiên: phụ nữ được đối xử bình đẳng, nếu không nói là vượt trội so với đàn ông.
Choo Waihong, từng là một luật sư làm việc cho công ty luật có tiếng ở Singapore. Nhưng vào năm 2006, cô đã quyết định nghỉ việc để đi du lịch khắp nơi. Được đào tạo và làm việc ở nhiều nơi như Canada, Mỹ và London, Choo lại cảm thấy bị cuốn hút khi đến thăm Trung Quốc - cũng là quê hương của cô. Sau khi đọc một vài tài liệu về người Mosuo, cô quyết định thực hiện một chuyến đi đến vùng đất đẹp như tranh vẽ ấy và được mở rộng tầm mắt về "mảnh đất nữ quyền" hiếm hoi trên thế giới.
Choo Waihong.
Choo Waihong với một cô giáo giữ trẻ người Mosuo.
Choo chia sẻ: "Tôi đã lớn lên trong một thế giới mà đàn ông làm chủ. Cha tôi và tôi đã có rất nhiều cuộc tranh cãi vì ông là kiểu đàn ông cực kỳ gia trưởng "điển hình" trong một cộng đồng người Hoa ở Singapore. Tôi đã dành cả cuộc đời hoạt động vì nữ quyền và Mosuo dường như đã đặt người phụ nữ làm trung tâm của xã hội. Thật là một điều đáng trân trọng".
Là một người cởi mở, thân thiện, không khó để Choo làm quen với những người Mosuo. Cô phát hiện ra rằng những đứa trẻ Mosuo chỉ thuộc về mẹ của chúng - những người cha ruột không có quyền quyết định việc nuôi dạy con như thế nào.
"Phụ nữ Mosuo thường không biết cha của con mình là ai và không có sự kỳ thị nào trong vấn đề này".
Người dân Mosuo sống theo chế độ mẫu hệ và có lẽ đây là bộ tộc mẫu hệ duy nhất còn sót lại ở Trung Quốc. Phụ nữ nắm mọi quyền hành, quyết định mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình, dòng họ hay trong làng. Họ sở hữu và kế thừa tài sản, ruộng đất. Công việc của họ là nuôi dạy và chăm sóc con cái.
Đàn ông phải làm việc nặng như cày ruộng, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, giết mổ gia súc. Đàn ông Mosuo không có địa vị hay tiếng nói trong bất cứ vấn đề gì. Thậm chí, trong ngôn ngữ của bộ tộc Mosuo, không có từ nào mang ý nghĩa "chồng" hoặc "bố". Tờ The Guardian của Anh còn ví đàn ông Mosuo giống như "người hiến tặng tinh trùng tự nguyện".
Những đứa trẻ sinh ra đều mang họ mẹ, sống với bà, mẹ, cô, dì, được nhà ngoại nuôi dưỡng và sẽ chẳng ai quan tâm cha chúng là ai. Người cha có thể không có hoặc có rất ít trách nhiệm với con mình, họ cũng chỉ được đứa bé gọi là "chú" hoặc "bác" chung chung. Nếu muốn có liên quan tới việc nuôi dạy con, người cha sẽ phải mang lễ vật tới gia đình người mẹ và bày tỏ ý định đó. Mặc dù đàn ông không có trách nhiệm làm cha nhưng thông thường phụ nữ Mosuo cũng không biết cha của con mình là ai và không có sự kỳ thị nào trong vấn đề này.
Mặc dù không có nghĩa vụ nuôi dưỡng con mình, đàn ông Mosuo vẫn phải chịu trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng những đứa trẻ được sinh ra bởi những người phụ nữ trong gia đình mình, đó là con của em gái, cháu gái và cô, dì... của họ.
Một phụ nữ Mosuo dệt vải.
Những người đàn ông thuộc bộ tộc Mosuo gặp nhau tại chợ ở thị trấn Lugu.
Vài tháng sau chuyến đi đầu tiên, Choo trở lại hồ Lugu. Một bé gái tuổi teen, Ladzu, đã đề nghị dạy ngôn ngữ Mosuo cho Choo và còn giới thiệu cô với gia đình. Các chuyến thăm của Choo ngày càng dài lâu và thường xuyên hơn. Choo còn trở thành mẹ đỡ đầu cho Ladzu và anh trai cô bé, Nongbu. Chú của Ladzu, Zhaxi, là một nhân vật có tiếng ở địa phương và là doanh nhân thành đạt. Ông đã đề nghị xây cho Choo một ngôi nhà, vì vậy Choo ngày càng gắn bó với mảnh đất ấy hơn.
Người phụ nữ Mosuo trong trang phục truyền thống.
Phụ nữ Mosuo là người quyết định mọi vấn đề lớn nhỏ trong cuộc sống chứ không phải đàn ông.
Choo nói: "Tôi đã quen với việc đi lại giữa Singapore và hồ Lugu, từ cuộc sống ở một thành phố sôi động và đến một vùng quê yên bình. Việc ở lại lâu hơn đã cho tôi cơ hội khám phá thêm về cộng đồng riêng tư mà thường bị hiểu lầm này".
"Hôn nhân đi bộ" hay tập tục "tẩu hôn"
Thiếu nữ Mosuo đến tuổi 13 sẽ được bà nội, mẹ hoặc một phụ nữ có địa vị trong dòng tộc cử hành lễ Thành Niên. Sau nghi lễ này, các cô gái sẽ trở thành phụ nữ và phải dọn ra ở căn gác có cửa sổ lớn sát cổng nhà nhất để bắt đầu "tẩu hôn" (còn gọi là "hôn nhân đi bộ"). Các cô gái có thể mời chàng trai mình thích tới nhà và thẳng thừng cấm cửa những người không ưng ý.
Chàng trai được chọn sẽ cưỡi ngựa sang nhà cô gái vào ban đêm, mang theo một chiếc nón rồi leo lên chiếc thang mà cô gái bắc sẵn để vào căn gác của cô. Chiếc nón sau đó sẽ được cô gái treo ngoài cửa sổ để người đến sau thấy mà rút lui. Họ sẽ ở bên nhau suốt đêm nhưng người con trai phải lặng lẽ ra về trước bình minh.
Thiếu nữ Mosuo đến tuổi 13 sẽ được bà nội, mẹ hoặc một phụ nữ có địa vị trong dòng tộc cử hành lễ Thành Niên.
Mối quan hệ này có thể kéo dài từ một đêm tới lâu dài, song không có bất kỳ sự ràng buộc hay chia sẻ nào giữa họ. Phụ nữ Mosuo có thể sinh con nhưng chẳng người đàn ông nào được trở thành cha của những đứa trẻ mà họ sinh ra.
Trên thực tế, phụ nữ Mosuo không thay đổi người tình quá thường xuyên. Từ sau thập niên 1970, sự can thiệp của chính phủ cũng giúp làng Mosuo dần thay đổi. Chế độ một vợ một chồng dù không tồn tại nhưng nhiều phụ nữ quyết định chỉ gắn bó với một người đàn ông duy nhất của mình.
Gia đình là điều quan trọng nhất
Người Mosuo coi gia đình là điều quan trọng hơn bất kỳ các mối quan hệ khác. Cấu trúc gia đình của họ cực kỳ bền vững, nhiều thế hệ chung sống dưới một mái nhà. Vì không có hôn nhân nên người Mosuo không có khái niệm "ly dị" hoặc "ly thân", tranh giành quyền nuôi dưỡng con cái hay phân chia tài sản.
Một gia đình toàn nữ.
Mọi thứ đang dần thay đổi
Kể từ khi du lịch phát triển vào những năm 1990, cuộc sống của thế hệ trẻ người Mosuo bắt đầu thay đổi. Người Trung Quốc làm đường, xây dựng sân bay, khách sạn, cung cấp không chỉ việc làm mà còn đưa nền văn minh hoàn toàn trái ngược tới vùng đất hẻo lánh này.
Các thành viên của bộ tộc Mosuo trình diễn múa lửa phục vụ du khách.
Rất đông du khách tham dự màn múa lửa truyền thống của người Mosuo
Du lịch đã mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân ở nơi đây.
Chính những điều đặc biệt trong cách sống đã khiến Musuo trở nên hấp dẫn và ngày càng thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, nền công nghiệp du lịch phát triển cũng đang dần làm thay đổi nền văn hóa lâu đời của nơi đây.
Các cô gái bắt đầu kết hôn với người ngoại tộc, sống cùng chồng và con thay vì chỉ ở nhà mẹ đẻ như trước. Dẫu vậy, họ vẫn luôn biết có bàn tay của bà, của mẹ che chở mỗi khi trở về quê hương...
(Tổng hợp)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng