Dù được minh oan trong báo cáo phát hiện chip gián điệp, Super Micro vẫn quyết tâm chuyển việc sản xuất khỏi Trung Quốc
Động thái này được cho để đáp lại yêu cầu từ các khách hàng của Super Micro, khi họ đề nghị không cung cấp các bo mạch chủ được sản xuất tại Trung Quốc, do lo ngại các vấn đề về gián điệp.
Theo các nguồn tin trong ngành của Nikkei, Super Micro Computer, nhà sản xuất máy chủ đang nói với các nhà cung cấp chuyển việc sản xuất ra khỏi Trung Quốc để giải quyết lo ngại của những khách hàng Mỹ về các nguy cơ gián điệp mạng. Super Micro chính là công ty tâm điểm trong báo cáo của Bloomberg về chip gián điệp gắn trong các máy chủ của họ.
Báo cáo từ Bloomberg cho rằng, các bo mạch chủ của công ty khi sản xuất tại Trung Quốc đã bị gắn các chip độc hại siêu nhỏ để hack các công ty công nghệ vốn là khách hàng của công ty, ví dụ như Apple và Amazon. Tuy nhiên việc kiểm tra độc lập sau đó không tìm thấy bằng chứng về các tuyên bố này.
Mặc dù vậy, theo một giám đốc điều hành của công ty, các khách hàng Mỹ và đặc biệt những khách hàng liên quan tới chính phủ đã yêu cầu Super Micro không cung cấp cho họ các bo mạch chủ được sản xuất tại Trung Quốc do lo ngại về an ninh.
Bên cạnh yêu cầu các nhà cung cấp chuyển địa điểm sản xuất, Super Micro cũng đang mở rộng các nhà máy sản xuất của riêng họ để giảm nhẹ bất kỳ rủi ro tương tự. Vào thứ Hai vừa qua, công ty vừa khởi công nhà máy mới trị giá 65 triệu USD tại thành phố Đào Viên, phía bắc Đài Loan và họ đang cân nhắc một khoản đầu tư khác hơn 300 triệu USD vào khu vực này. Ngoài ra họ cũng đang mở rộng tại Thung lũng Silicon.
Trong khi phần lớn các hệ thống máy chủ là do công ty tự lắp ráp, nhưng việc sản xuất bo mạch chủ được chuyển sang thuê ngoài cho nhiều nhà cung cấp khác.
Hiện các nhà cung cấp bo mạch chủ cho Super Micro có hãng Wistron của Đài Loan, hãng Orient Semiconductor Electronics, công ty Universal Scientific Industrial – một công ty con của hãng ASE Technology Holding.
Một giám đốc điều hành nói với Nikkei, hãng Orient Semiconductor Electronics hiện đã đáp lại yêu cầu của Super Micro khi chuyển việc sản xuất bo mạch chủ từ thành phố Tô Châu, Trung Quốc sang thành phố Cao Hùng của Đài Loan. Vị giám đốc này cho biết: "Việc chuyển đổi đã được bắt đầu trong quý 4 năm ngoái khi căng thẳng thương mại gia tăng." Các lo ngại về bảo mật trong chuỗi cung cấp đang tăng tốc cho quá trình chuyển dịch.
Vị giám đốc này cũng cho biết, hiện phần lớn các sản phẩm của Super Micro dành cho thị trường Mỹ đã loại bỏ các bo mạch chủ sản xuất tại Trung Quốc. Các khách hàng Mỹ vốn chiếm đến 60% doanh thu của công ty, tuy nhiên, doanh số máy chủ của Super Micro đã sụt giảm đáng kể từ tháng 10 năm ngoái, thời điểm sau khi báo cáo của Bloomberg được đưa ra.
Xu hướng đang lan rộng
Super Micro không phải công ty duy nhất đang đáp lại các lo ngại về bo mạch chủ sản xuất tại Trung Quốc, khi chúng được sử dụng trong các máy chủ và trung tâm dữ liệu. Trong năm 2017, gần 90% bo mạch sử dụng trong 13,9 triệu máy chủ xuất xưởng trên toàn cầu được sản xuất tại Trung Quốc. Năm ngoái, theo hãng Digitimes Research, một hãng chuyên phân tích chuỗi cung cấp cho biết, con số này giảm xuống còn chưa tới 50% trong tổng số 15,2 triệu bo mạch chủ được sử dụng.
Betty Shyu, nhà phân tích về máy chủ của Digitimes, cho biết: "Đang có một bước chuyển dịch lớn ra khỏi Trung Quốc xảy ra trong chuỗi cung cấp máy chủ." Ngoài ra, bà còn cho rằng, các bo mạch máy chủ được sản xuất tại Trung Quốc còn gánh chịu tác động mạnh từ mức thuế bổ sung do Washington áp đặt.
Các hãng công nghệ quan trọng của Đài Loan như hãng sản xuất thiết bị lưu trữ Lite-On Technology, hãng Quanta Computer nhà cung cấp máy chủ cho các công ty Mỹ như Google và Facebook, và cả Foxconn, tất cả cũng đã bắt đầu chuyển việc sản xuất hoặc đang cân nhắc động thái tương tự.
Nhiều công ty đang phải chịu tác động từ việc áp đặt thuế quan do Mỹ vào các sản phẩm nhạy cảm đến từ Trung Quốc, nhưng nhiều công ty cũng cho biết, họ làm vậy để đáp lại yêu cầu từ các khách hàng Mỹ.
Tham khảo Nikkei Asian Review
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng