Đừng quá kỳ vọng vào thỏa thuận thương mại bởi Mỹ - Trung ngày càng xa nhau và Huawei chính là bằng chứng
Các nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp lại nhau tại Bắc Kinh trong 2 ngày 28 và 29/3 nhằm đạt được thỏa thuận thương mại nhưng dường như có những khoảng cách không thể lấp đầy.
Thực tại không thể phủ nhận
Kể từ đầu năm 2018, Mỹ và Trung Quốc đã bị khóa chặt trong một cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang, trong đó hai nước đánh thuế lượng hàng hóa hàng trăm tỷ USD của nhau. Tuy nhiên, hy vọng về một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang khiến nhiều người lạc quan. Hàng loạt động thái mang tính xây dựng của hai nước cùng cuộc gặp tiềm năng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình càng củng cố cho hy vọng đó.
Tuy nhiên, bất kể các cuộc đàm phán mang lại kết quả như thế nào, hai nước vẫn có khả năng không thể hòa giải được trên một số mặt trận chính trị và kinh tế quan trọng. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, công ty dự kiến công bố kết quả kinh doanh hàng năm vào ngày 28/3, là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.
Trong 12 tháng qua, Chính quyền của ông Trump gây áp lực lên các nước lớn trên thế giới trong việc ngừng sử dụng thiết bị của Huawei trong quá trình phát triển mạng 5G với lý do bảo mật. Đáp trả, công ty công nghệ Trung Quốc đã đâm đơn kiện lệnh cấm sử dụng sản phẩm Huawei của Chính phủ Mỹ với cáo buộc vi hiến.
Vụ kiện này chính là một lời nhắc vì sao chiến tranh thương mại nổ ra: Sự chênh lệch rõ ràng giữa quyền tiếp cận và quyền hợp pháp của các công ty Trung Quốc hoạt động ở phương Tây với những gì doanh nghiệp phương Tây có được ở Trung Quốc. Hiện tại, các doanh nghiệp Mỹ buộc phải liên doanh với các công ty Trung Quốc để có thể hoạt động trong một số lĩnh vực mà Bắc Kinh gọi là quan trọng. Ở Trung Quốc, các công ty Mỹ có rất ít quyền để chống lại các chính sách của chính phủ nước này.
Sự bất công bằng nhìn từ trường hợp của Huawei
Từ một công ty nhỏ được thành lập bởi cựu sĩ quan quân đội năm 1988, Huawei đã trở thành một trong những nhà cung cấp công nghệ hàng đầu thế giới và dẫn đầu trong lĩnh vực thiết bị của cuộc đua 5G trên toàn thế giới. Ở Trung Quốc, Huawei là biểu tượng cho sự phát triển kinh tế của đất nước và là điểm đáng tự hào khi công nghệ của họ trở nên ngang bằng hoặc vượt trội so với các đối thủ phương Tây.
Tuy nhiên, với Washington, Huawei chỉ là một công ty tư nhân, không hơn, không kém.
Hồi tháng 8/2018, Chính quyền Tổng thống Trump thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, trong đó cấm các cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng công nghệ của Huawei hoặc ZTE – một công ty Trung Quốc khác. Lý do người Mỹ đưa ra là sự lo ngại rò rỉ thông tin mật. Theo phía Mỹ, cả Huawei và ZTE đều có mối quan hệ thân thiết với Chính phủ Trung Quốc và việc sử dụng phần cứng của các công ty này có thể tạo ra các lỗ hổng cho phép Trung Quốc do thám.
Huawei đã nhiều lần phủ nhận những cáo buộc này và nhấn mạnh không có bất cứ sản phẩm nào của họ là mối nguy với an ninh quốc gia.
Vài tháng sau, tháng 12/2018, Bắc Kinh đã tỏ ra vô cùng phẫn nộ sau khi bà Mạnh Vãn Chu, CFO của Huawei đồng thời là con gái của nhà sáng lập Huawei, bị bắt ở Canada. Bà Mạnh đối mặt với việc bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
Năm 2019, Huawei bắt đầu phản công. Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, người từ lâu không xuất hiện trước truyền thông, cũng đã đăng đàn để đảm bảo sự riêng tư của công ty mình. "Chúng tôi chọn phải nói lên tiếng nói của mình ở thời điểm này bởi vì Chính phủ Mỹ coi chúng tôi là mối đe dọa với an ninh quốc gia. Tại sao Huawei lại bị chỉ trích?", ông Nhậm nhấn mạnh.
Vụ kiện mà phía Huawei đưa ra hồi tháng 3 cũng là bước đi pháp lý mới nhất để chống lại phán quyết của Mỹ. Tuy nhiên, Robert Atkinson, một chuyên gia về phân tích công nghệ, nhấn mạnh các công ty Mỹ thường xuyên bị cấm ở Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia và rất khó có cơ hội tiến hành các bước đi pháp lý để chống lại những lệnh cấm đó. Huawei có cơ hội làm điều này ở Mỹ.
Zhang Lin, một nhà phân tích kinh tế độc lập của Trung Quốc cho biết ông chưa từng nghe nói một công ty Mỹ nào có thể kiện chính phủ Trung Quốc ra tòa. Ngay cả các công ty Trung Quốc cũng khó thực hiện điều này chứ đừng nói đến các công ty nước ngoài, đặc biệt là Mỹ.
Công ty nước ngoài có thể kiện Chính phủ Trung Quốc?
Trong cuộc họp báo về vụ kiện nhằm vào chính phủ Mỹ, Song Liuping, giám đốc pháp lý của Huawei, cho biết Trung Quốc là quốc gia có luật pháp. "Có những tòa án cụ thể xét xử những vụ việc của xã hội và chính phủ Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng nếu các tập đoàn đa quốc gia hoặc các công ty Trung Quốc chịu những quyết định không hợp pháp của chính phủ, họ có thể đứng lên đòi quyền lợi cho mình. Nó cũng giống như cách chúng tôi đứng lên đòi quyền lợi cho mình ở Mỹ", Liuping nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Trung Quốc không ít lần bị phía Mỹ cáo buộc có những hành động "bảo hộ" cho các công ty nước này và cản trở các công ty Mỹ. Năm 2014, Reuters cho biết nhiều thương hiệu công nghệ nước ngoài đã bị xóa khỏi "danh sách mua bán mà nhà nước phê duyệt", ngăn các cơ quan chính phủ sử dụng phần mềm và dịch vụ nước ngoài.
Đây không phải trường hợp duy nhất nói về việc Bắc Kinh ngăn chặn các công nghệ nước ngoài. Năm 2014, hệ điều hành Window 8 của Microsoft bị cấm cài trên các máy tính của chính phủ Trung Quốc. Không lời giải thích nào được đưa ra cho các lệnh cấm này.
Cả hai vụ việc nêu trên đều giống với tình huống Huawei đang phải đối mặt. Trong cả hai trường hợp, không có vụ kiện công khai nào được đưa ra nhằm chống lại các quyết định của nhà chức trách Trung Quốc.
Trong khi đó, Phòng Thương mại Mỹ ở Bắc Kinh cho biết, những khiếu nại thường xuyên nhất từ các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc là sự giải thích không thống nhất quy định của chính quyền cũng như việc thực thi các quy định không rõ ràng.
Ngay khi áp khoản thuế đầu tiên lên hàng hóa Trung Quốc, Tổng thống Trump đã nói rằng những rào cản "không công bằng" như vậy cần phải được dỡ bỏ. "Phải hành động để khuyến khích Trung Quốc thay đổi các hành vi không công bằng, mở cửa thị trường hàng hóa cho Mỹ và chấp nhận mối quan hệ thương mại cân bằng hơn với Washington", ông Trump viết trong một thông điệp trên Twitter hồi tháng 6/2018.
Những khoảng cách khó có thể lấp đầy
Đã có một số tiến bộ trong việc mở cửa nền kinh tế Trung Quốc đối với Mỹ và toàn cầu. Ví dụ, ngành tài chính Trung Quốc đã cho phép các công ty quốc tế tham gia từ tháng 11/2017 dù nhiều lĩnh vực khác vẫn có những hạn chế nghiêm ngặt về quy mô đầu tư nước ngoài.
Alan Beebe, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Bắc Kinh, nhấn mạnh: "Nếu bạn chỉ nhìn vào khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp luật Trung Quốc ở Mỹ và ngược lại, bạn sẽ thấy sự khác biệt".
Sân chơi không đồng đều giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc vẫn là một trong những rào cản lớn nhất trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra. Cùng với đó là thâm hụt thương mại và cáo buộc chuyển giao công nghệ cưỡng ép.
Ông Atkinson cho rằng, ngay cả trong trường hợp lạc quan nhất, bất kể thỏa thuận thương mại nào giữa Mỹ và Trung Quốc cũng không thể giải quyết những khác biệt lớn trong hệ thống chính trị và nền kinh tế hai nước. "Sẽ còn rất lâu nữa để có một sân chơi hoàn toàn công bằng", Atkinson nhận định.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng