Hãng chip Trung Quốc thắng lớn sau khi Intel, AMD bị Bắc Kinh "cấm cửa"
Mặc dù các chip Trung Quốc hiện tại vẫn tụt hậu so với công nghệ Mỹ khoảng một thập kỷ, Trung Quốc vẫn đang đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển bộ vi xử lý nội địa.
- Startup AI Trung Quốc làm choáng váng thế giới: Ra mắt mô hình AI mới, mạnh ngang ChatGPT, có thể chấm dứt cơn khát GPU NVIDIA cao cấp của Trung Quốc
- Trung Quốc chi 137 tỷ USD xây siêu đập lớn nhất hành tinh tại hẻm núi sâu nhất thế giới: Công suất gấp 3 đập Tam Hiệp, đủ cấp điện cho 300 triệu người
Khi Bắc Kinh cấm sử dụng chip bán dẫn của Mỹ như AMD và Intel trong các cơ quan chính phủ, nhà sản xuất chip Trung Quốc Phytium đã báo cáo bán được hơn 10 triệu bộ vi xử lý dòng Feiteng. Theo báo cáo từ phương tiện truyền thông IT Home, phần lớn các chip này được sử dụng trong các dự án quốc gia và ngành công nghiệp quan trọng, có mặt từ các máy chủ đám mây đến các thiết bị đầu cuối phục vụ người dùng.
Mặc dù bị đưa vào danh sách thực thể của Mỹ, nghĩa là Phytium không thể nhập khẩu và sử dụng các thành phần sản xuất tại Mỹ một cách hợp pháp, công ty vẫn có khả năng phát triển và sản xuất các giải pháp chip tiên tiến. Ví dụ, năm ngoái, Phytium đã giới thiệu CPU máy chủ Feiteng Tengyun S2500 với 64 lõi và FTC870, cạnh tranh với chip Neoverse N2 của Arm. Ngoài ra, công ty cũng ra mắt bộ xử lý Feiteng Tengrui D3000 dành cho máy tính để bàn trong môi trường văn phòng.
Phytium không phải là nhà sản xuất chip duy nhất hưởng lợi từ động thái chuyển hướng khỏi các chip phương Tây của Trung Quốc. Loongson, một nhà sản xuất chip khác, cũng được chấp nhận rộng rãi hơn, với báo cáo cho biết đã giao 10.000 chip đến các trường học Trung Quốc. Công ty này thậm chí đã đưa một trong những bộ vi xử lý của mình lên Trạm vũ trụ Tiangong, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực sử dụng công nghệ nội địa của Trung Quốc. Các nhà sản xuất chip khác như Huawei và Hygon cũng đang mở rộng thị phần, đặc biệt khi các công ty viễn thông Trung Quốc dần từ bỏ công nghệ phương Tây.
Mặc dù nhiều người cho rằng các chip Trung Quốc hiện tại vẫn tụt hậu so với công nghệ Mỹ khoảng một thập kỷ, Trung Quốc vẫn đang đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển bộ vi xử lý nội địa, bất chấp các lệnh cấm và trừng phạt của Washington. Đây có thể là lý do Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo từng nhận định rằng việc kìm hãm sự tiến bộ trong sản xuất chip của Trung Quốc là “một nhiệm vụ bất khả thi”. Thượng viện Mỹ cũng phát hiện rằng việc thực thi các biện pháp của Nhà Trắng đối với ngành công nghệ Trung Quốc là không đủ, do thiếu kinh phí của Bộ Thương mại.
Phytium và các công nghệ nội địa khác được sử dụng trong các ngành công nghiệp Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến tương lai bán dẫn tại nước này. Khi chính phủ Trung Quốc mua hàng triệu bộ vi xử lý, các công ty sản xuất chip này có thể tái đầu tư lợi nhuận vào nghiên cứu và phát triển để cải tiến công nghệ. Khu vực tư nhân Trung Quốc cũng có thể đi theo xu hướng này, đặc biệt nếu các nhà sản xuất chip nội địa sản xuất được các chip có hiệu năng phù hợp với giá thành thấp hơn đáng kể.
Với hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu nhân viên chính phủ sử dụng những máy tính này, không lâu nữa người tiêu dùng cá nhân Trung Quốc cũng có thể muốn mua các bộ vi xử lý này. Đây chính là cách mà người tiêu dùng Mỹ được tiếp cận với máy tính cá nhân trong những năm 1980 và 1990, giúp các công ty như Compaq, Dell và HP chuyển từ văn phòng vào nhà ở của nhiều người Mỹ.
Bình Minh
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng