MIT hé lộ chiếc găng tay thần kỳ giúp bạn điều khiển giấc mơ và nâng cao khả năng sáng tạo của bản thân

    Z-Lion,  

    Chiếc găng Dormio này sẽ can thiệp vào quá trình "mơ ngủ" - hypnagogia và phần nào cho phép người dùng kiểm soát giấc mơ của mình.

    Mới đây, một đội ngũ các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã hé lộ dự án về thiết bị găng tay với tên gọi Dormio cho phép người dùng duy trì trạng thái “nửa tỉnh nửa mê” trong quá trình ngủ. Nói cách khác, chiếc găng này sẽ giúp họ can thiệp và thậm chí là điều khiển giấc mơ của mình.

    MIT hé lộ chiếc găng tay thần kỳ giúp bạn điều khiển giấc mơ và nâng cao khả năng sáng tạo của bản thân - Ảnh 1.

    Thiết bị "nhỏ nhưng có võ" này có thể giúp chúng ta điều khiển được giấc mơ của mình?

    Nguồn gốc ý tưởng

    Trong thực tế khi chúng ta bắt đầu ngủ, sẽ có một gian đoạn ngắn chuyển tiếp giữa trạng thái tỉnh táo và trạng thái vô thức gọi là hypnagogia (mơ ngủ). Mặc dù tất cả chúng ta đều phải trải qua giai đoạn này mỗi đêm, nhưng đây vẫn là một bí ẩn với nhiều khúc mắc với các chuyên gia thần kinh học bởi rất khó để xác định chính xác khi nào thì hypnagogia xảy ra.

    Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc con người sẽ dễ dàng gặp ảo giác trong quá trình hypnagogia, nhưng bù lại tinh thần và sự sáng tạo của họ lại được cải thiện hơn bao giờ hết. Trường hợp này đã từng xảy ra với rất nhiều vĩ nhân thế giới như Albert Einstein, Vladimir Nabokov hay Salvador Dali. Tuy nhiên, trải nghiệm của Thomas Edison mới là nguồn cảm hứng giúp đội ngũ nghiên cứu tại MIT nảy ra ý tưởng về Dormio.

    MIT hé lộ chiếc găng tay thần kỳ giúp bạn điều khiển giấc mơ và nâng cao khả năng sáng tạo của bản thân - Ảnh 2.

    Quá trình nửa tỉnh nửa mơ hypnagogia xảy ra với chúng ta mỗi đêm nhưng lại rất khó để xác định thời điểm chính xác.

    Cụ thể, Edison đã tiến hành kiểm chứng quá trình hypnagogia bằng cách nắm chặt một quả cầu sắt trong tay ngay trước khi đi ngủ. Và khi ông rơi vào trạng thái mơ màng, cơ tay sẽ bắt đầu nới lỏng làm quả cầu sắt rơi xuống gây ra tiếng động khiến ông tỉnh táo trở lại. Trong suốt thí nghiệm này, Edison chưa bao giờ thực sự chìm sâu vào giấc ngủ nhưng ông đã nhìn thấy những ảo giác kỳ lạ vốn chỉ tồn tại trong giấc mơ.

    Horowitz, trưởng dự án Dormio cho biết: “Hypnagogia là một bí ẩn tuyệt vời khi bạn vẫn có thể duy trì một phần nhận thức trong khi cơ thể đang bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Và cách tốt nhất để can thiệp và trải nghiệm vào quá trình này chính là phương pháp quả cầu sắt của Edison”.

    Cơ chế hoạt động

    Horowitz cho biết Dormio đã hoàn thành hai giai đoạn thử nghiệm ban đầu và hiện đang trải qua giai đoạn thứ ba.

    Giai đoạn 1

    Trong giai đoạn đầu tiên, Dormio được trang bị bộ điều khiển siêu nhỏ Arduino cùng một cảm biến lực bàn tay chuyên dụng. Khi bắt đầu giấc ngủ, người dùng (chính là 6 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm) sẽ đeo bộ găng này vào và nắm chặt lòng bàn tay để các cảm biến EEG có thể bắt đầu theo dõi cảm biến điện tử bên trong não bộ.

    Khi đối tượng thí nghiệm bắt đầu rơi vào trạng thái vô thức, cơ bàn tay của họ sẽ thả lỏng dần ra và sóng não cũng có sự thay đổi nhẹ. Ngay lập tức, các cảm biến EEG sẽ truyền tín hiệu đến robot Jibo ở gần đó. Và nhiệm vụ của con robot này rất đơn giản: Phát ra hai cụm từ “con thỏ” hoặc “cái dĩa” đã được lập trình từ trước để thay đổi nội dung trong ảo giác/giấc mơ của người dùng.

    MIT hé lộ chiếc găng tay thần kỳ giúp bạn điều khiển giấc mơ và nâng cao khả năng sáng tạo của bản thân - Ảnh 3.

    Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm sẽ đeo găng tay Dormio và bắt đầu chìm vào giấc ngủ.

    Jibo cũng sẽ báo hiệu ngăn người dùng chìm vào giấc ngủ sâu (giống như khi quả cầu sắt rơi xuống đất và đánh thức Edison). Sau khi xác nhận người dùng đang ở trong trạng thái hypnagogia, Jibo sẽ bắt đầu đưa ra một số câu hỏi đơn giản và ghi lại toàn bộ suy nghĩ của họ.

    Tuy nhiên, Horowitz và các cộng sự đã gặp phải một số khó khăn trong giai đoạn này. Đầu tiên, các cảm biến EEG có giá thành qua cáo và rất phức tạp trong quá trình sử dụng. Thứ hai, cảm biến lực bàn tay chỉ có thể hiển thị hai trạng thái rõ ràng bật - tắt (tương đương khi người dùng nắm chặt và thả lỏng tay), trong khi hypnagogia là một quá trình rất dài.

    Giai đoạn 2

    Để khắc phục những khó khăn trong giai đoạn đầu tiên, Horowitz đã thiết kế một phiên bản Dormio mới sử dụng cảm biến uốn để đo mức độ căng cơ một cách chi tiết hơn. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà nghiên cứu có thể theo dõi toàn bộ quá trình chìm vào giấc ngủ của đối tượng tùy theo mức độ thả lỏng của bàn tay.

    Bên cạnh đó, họ còn loại bỏ cảm biến EEG và sử dụng các tín hiệu sinh học đơn giản hơn như nhịp tim của đối tượng nghiên cứu. Robot Jibo cũng được thay thế bằng một ứng dụng smartphone chuyên dụng. Quá trình thử nghiệm vẫn diễn ra tương tự như trong giai đoạn 1.

    MIT hé lộ chiếc găng tay thần kỳ giúp bạn điều khiển giấc mơ và nâng cao khả năng sáng tạo của bản thân - Ảnh 4.

    Phiên bản Dormio trong giai đoạn 2 đã được thay thế bằng những cảm biến đơn giản hơn

    Kết quả ban đầu

    Horowitz cho biết mặc dù đa số những người tham gia thử nghiệm không thể nhớ toàn bộ câu trả lời của họ đối với robot Jibo hay ứng dụng di động nhưng tất cả đều xác nhận đã “nhìn thấy” một số cụm từ nổi bật (chính là "con thỏ" và "cái dĩa") trong giấc mơ của mình . Đó chính là những cụm từ được lập trình sẵn cho robot Jibo để nói với họ trong quá trình hypnagogia.

    Horowitz chia sẻ: “Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi hoàn toàn có thể tạo ra một hệ thống điều khiển giấc mơ hoàn chỉnh”. Tuy nhiên, mục đích của Dormio không chỉ dừng lại ở việc can thiệp vào giấc mơ. Horowitz và các cộng sự còn muốn kiểm tra xem liệu chúng ta có thực sự trở nên sáng tạo hơn trong quá trình hypnagogia hay không.

    MIT hé lộ chiếc găng tay thần kỳ giúp bạn điều khiển giấc mơ và nâng cao khả năng sáng tạo của bản thân - Ảnh 5.

    Giữa quá trình hypnagogia và sự sáng tạo có một mối liên kết chặt chẽ mà khoa học vẫn chưa thể lý giải.

    Sau khi thử nghiệm 3 lần với Dormio, 6 tình nguyện viên sẽ làm một bài kiểm tra cơ bản về độ sáng tạo. Cụ thể, họ sẽ phải tưởng tượng những cách sử dụng khác cho hai cụm từ “con thỏ” và “cái dĩa”, đồng thời viết một câu chuyện ngắn xoay quanh hai cụm từ này.

    Và kết quả thu được cũng ngoài sức mong đợi: Trung bình mỗi người họ đã giành nhiều thời gian hơn (158 giây) để hoàn thành truyện ngắn của mình so với người bình thường. 4 trong số 6 tình nguyện viên thừa nhận những ý tưởng mà họ có được trong quá trình hypnagogia có tính sáng tạo và thu hút rất cao. Một tình nguyện viên cho biết: “Tôi không hề nghĩ đến những ý tưởng này, chúng chỉ đột nhiên hiện ra trong đầu của tôi sau quá trình thử nghiệm”.

    Theo Motherboard

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày