Năm 1973, một nhóm các nhà thiên văn đã bay đuổi theo Nhật thực trên phi cơ Concorde
Đó là trải nghiệm của các nhà khoa học hồi năm 1973, một thử nghiệm có lẽ chỉ có một lần duy nhất trong lịch sử.
- NASA sẽ thả bóng bay khổng lồ chứa vi khuẩn lên không trung vào sự kiện Nhật thực tới! Mục đích là để nghiên cứu
- Chiêm ngưỡng bức ảnh đầu tiên về hiện tượng nhật thực ra đời năm 1851
- Người Mỹ chi 2000 USD để xem nhật thực trong 3 phút
- Nhật thực sẽ "sớm" biến mất vĩnh viễn, tuy nhiên "sớm" ở đây là so với tuổi thọ Trái Đất
Bạn thưởng thức Nhật thực bằng những phương cách nào? Tụ tập tại một khoảng đất trống lớn và thoáng đáng, trên tay chuẩn bị sẵn một cặp kính chuyên dụng. Hay ngồi trên một tầng cao nào đó, đón cơn gió thỉnh thoảng thổi qua và ngắm nhìn bầu trời dần chìm vào bóng tối tưởng như vĩnh hằng? Xem qua màn hình máy tính bởi địa phương bạn không xem được Nhật thực?
Đảm bảo với bạn không có cách nào ngầu bằng việc một nhóm các nhà thiên văn đã thực hiện hồi năm 1973: họ leo lên một mẫu thử của phi cơ Concorde, đuổi theo Nhật thực tại vận tốc gấp 2 lần vận tốc âm thanh.
Lúc ấy,. các hãng hàng không đã nghiên cứu thành công loại máy bay tân tiến này, đã tiến hành bay thử lần đầu vào năm 1969 và chứng minh được rằng công nghệ vận chuyển với tốc độ siêu thanh này hoàn toàn khả thi, dễ thực hiện trong thực tế hơn là lý thuyết được đề ra trước đây. Thành công này là chất keo kết nối Anh và Pháp lại, cũng lúc đó mở ra một chân trời mới cho vận chuyển siêu thanh.
Những người thuộc đội ngũ phát triển máy bay cũng muốn đánh một dấu mốc khác nữa: họ muốn cho những nhà thiên văn học chứng kiến hiện tượng Nhật thực dài nhất trong lịch sử mà họ có thể chứng kiến, diễn ra vào ngày 30 tháng 6 năm 1973. Nếu muốn đứng trên Trái Đất mà xem Nhật thực vào ngày hôm đó, bạn sẽ phải đứng tại một điểm chính xác trên sa mạc Sahara. Nhật thực sẽ kéo dài trong 7 phút 4 giây, ngắn hơn 28 giây so với nhật thực dài nhất trong lịch sử và sẽ không có một hiện tượng dài tương tự như vậy cho tới năm 2150.
Nhưng trên chiếc Concord, họ có thể chạy theo bóng của Mặt Trăng trải trên Trái Đất mà chứng kiến sự kiện thiên văn dài nhất mà một người có thể thấy. Trên lý thuyết, họ sẽ được ngắm Nhật thực suốt 70 phút đồng hồ. Vấn đề duy nhất mà họ gặp phải? Cần có một chiếc Concorde đã.
Chuyến bay thử đầu tiên của Concorde năm 1969.
Tại London, nhà vật lý thiên văn người anh, ông John Beckman đã từ lâu sử dụng phi cơ để tiến hành nghiên cứu thiên văn, dù là bản thân ông cũng không hề thoải mái khi bay. “Sự tò mò về khoa học của tôi đã lấn át nỗi sợ hãi ấy”, ông thổ lộ.
Beckman mong muốn sử dụng chiếc Concorde 002, mẫu thử của Anh để tiến hành nghiên cứu nhưng không được chấp thuận. Tháng Năm năm 1972, hơn một năm trước khi sự kiện thiên văn đáng nhớ kia diễn ra, Beckman nhận được cuộc gọi từ bà Pierre Léna từ Đài thiên văn Pháp, cùng với phi công lái thử André Turcat, rằng họ muốn thực hiện kế hoạch ngắm Nhật thực có một không hai ấy.
“Tôi không biết là ngày nay người ta có cho tôi làm thế không”, bà Léna, giờ đã 78 tuổi – nhưng vẫn hoạt động tích trong cộng đồng khoa học, người nói. “Tôi thấy cấu trúc các tổ chức thời nay quy củ và có thứ bậc hơn nhiều. Nên là ngày xưa may mắn mà tôi có được cơ hội ấy, và tất nhiên là lúc ấy tôi vẫn còn trẻ. Quả thật là cực kì may mắn khi có người còn chịu nghe cái ý kiến không tưởng ấy!”.
Kế hoạch thì có vẻ đơn giản vô cùng: chiếc con Corcorde sẽ tiếp cận Nhật thực từ phía Bắc châu Phi, lao tới với vận tốc gần tối đa. Về cơ bản, các nhà khoa học sẽ đuổi theo hiện tượng Nhật thực này, dành thời gian quý giá chưa từng có để nghiên cứu về những hiện tượng chỉ có thể diễn ra khi xuất hiện Nhật thực: những biến đổi trong khí quyển, quanh Mặt Trời, v.v...
Phi công Turcat ngạc nhiên tột độ trước kế hoạch này, trình ý tưởng lên các sếp mình tại Aérospatiale và họ đều gật đầu đồng ý, tiến tới việc tính toán chi phí cho trải nghiệm có một không hai này. Tất cả các chi phí, các trường hợp sẽ xảy ra: yếu tố thời tiết, nhiệt độ, lượng xăng tiêu hao ... đều được xem xét, cân nhắc kĩ càng.
Bà Léna và cộng sự thì tính xem họ có thể mang theo những dụng cụ nghiên cứu gì. Họ vạch ra quãng đường tối ưu nhất để có thể đuổi theo Nhật thực. Trong khi ấy Turcat và sếp mình, kĩ sư trưởng ban định hướng bay Henri Perrier đi tìm những sân bay phù hợp với chiếc Concorde dài 60 mét của họ tại Châu Phi. Họ cố gắng đẩy vị trí xa về phía Tây nhất có thể, và điểm tập kết tại Mauritania đã đồng ý họ sẽ dừng toàn bộ các chuyến bay thương mại của mình từ đêm hôm trước.
“Có rất nhiều thứ phải lo tới”, bà Léna nhớ lại những giây phút chuẩn bị cho sự kiện lịch sử ấy. Họ sẽ phải biến đổi cả chiếc máy bay để có thể quan sát Nhật thực cho dễ: máy bay thì không thể bay nghiên liên tục để họ nhìn qua cửa sổ được! Họ cần một cửa mái. Cái cửa ấy cũng phải bền chắc để chống chịu được áp lực lớn cũng như nhiệt độ cao gây ra bởi vận tốc siêu thanh.
Cái cửa ấy mà có bung ra, chuyến bay vẫn sẽ diễn ra an toàn. Có điều nó sẽ phải hạ cánh khẩn cấp, và điều đáng buồn hơn là thử nghiệm sẽ không diễn ra được trọn vẹn.
Nhưng chiếc Concorde thì quá to, mà cũng rất ích kỉ nếu không mời thêm những đội ngũ nghiên cứu khác nữa. Thế nên tại sự kiện cuối cùng, đã có 5 thử nghiệm khác nhau diễn ra trên máy bay, và mỗi nghiên cứu lại có một mục đích khác nhau. Các nhà khoa học là những con người xuất chúng tới từ Viện Vật lý thiên văn Pháp, Đài quan sát Quốc gia Kitt Peak, Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, Đại học Queen Mary và Đại học Aberdeen.
Trong số đó có cả nhà khoa học John Beckman. Thời gian từ lúc nhận tin vui cho tới lúc thực hiện dự án quá cấp bách, ông đã phải tự tạo ra một thiết bị quay bằng tay, nhằm đưa tấm gương của công cụ theo dõi Nhật thực thẳng hàng và thẳng với cửa quan sát của chiếc Concorde.
Bốn tháng trước khi Nhật thực diễn ra, vào tháng Hai năm 1973, các nhà khoa học mới nhận được tin xác nhận rằng họ được phép sử dụng chiếc Concorde mẫu vào việc nghiên cứu. Thời gian hơi ngắn để đảm bảo mọi thứ được hoàn hảo, khi cất cánh, khi quan sát trên không tại vận tốc siêu thanh, và cả khi hạ cánh. Chắc chắn những nhà khoa học đã bước lên chiếc Concorde trong tâm trạng lo lắng, bởi cái thử nghiệm liều lĩnh này được thực hiện trên một chiếc máy bay lúc ấy vẫn chỉ là “hàng mẫu”.
Vào đúng 10 giờ 8 phút sáng ngày 30 tháng Sáu, chiếc Concorde rời sân bay Gran Canaria tại Las Palmas. Đằng Tây, bóng của Mặt Trăng đã bắt đầu lướt trên Đại Tây Dương với vận tốc 1.900 km/h, đang dần hướng vào bờ biển Châu Phi.
Toàn bộ 8 nhà khoa học có mặt trên chiếc Concorde chẳng có lấy một phút thưởng ngoạn cảnh tượng hay trầm trồ trước công nghệ mới. “Não chúng tôi lúc ấy đều đang nghĩ việc sắp tới mình sẽ phải làm những gì”, bà Léna nói. “Chẳng có thời gian mà bộc lộ cảm xúc; cái đó để sau”.
Hai phút sau khi chiếc Concorde rời sân bay, nó lên được vận tốc Mach 1 = 1234 km/h, hướng về phía Tây Nam, nơi mà bóng Mặt Trăng đang phủ tối một vùng Trái Đất. Khi đạt độ cao 90.000 mét, anh Turcat cho phép chiếc máy bay siêu thanh sống thực với bản thân mình: anh đưa nó lên vận tốc Mach 2.05 = 2531 km/h, gấp hai lần vận tốc âm thanh. Họ đuổi theo hiện tượng thiên văn kì thú mang tên Nhật thực toàn phần.
“Ai cũng tập trung vào việc mình dang làm”, ông Beckman bồi hồi nhớ lại, “nhưng tôi vẫn có dư chút thời gian để liếc ra cửa sổ, thấy được khoảng trời bên ngoài. Từ độ cao này, ta có thể thấy đường cong của Trái Đất, cực kì tuyệt vời”.
Thời gian trôi nhanh như chính chiếc Concorde rẽ mây tiến về điểm tập kết cuối cùng, và các đội nghiên cứu cũng phải nhanh chóng kết thúc thử nghiệm, cố gắng giành chút thời gian lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ, bên những người đồng nghiệp hay về khung cảnh sa mạc Sahara cát trải ngút tầm mắt bên ngoài. Tổng thời gian thí nghiệm diễn ra là 74 phút.
Ấy là nhiều hơn tổng số thời gian nghiên cứu được thực hiện suốt một thế kỷ nay rồi, và từ lượng thông tin quý giá vô cùng ấy, ba bản nghiên cứu đã được đăng tải trên Nature, cùng vô vàn dữ liệu chưa từng được phát hiện trước đây. “Toàn bộ năm thử nghiệm đều thành công, nhưng dù vậy chẳng cái nào làm nên lịch sử, làm sáng tỏ của vầng hào quang của Mặt Trời diễn ra khi Nhật thực cả”.
Trong sự kiện Nhật thực năm 1999 trên bầu trời Châu Âu, 3 chiếc Concorde – một của Pháp, hai của Anh – cũng đã đuổi theo hiện tượng thiên văn kì thú này, nhưng hành khách trên chúng đều là khách du lịch. Vụ tai nạn Concorde đáng quên xảy ra vào ngày 25 tháng 7 năm 2000, làm 109 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, 4 người xấu số dưới mặt đất cũng không thoát nạn, đã đánh dấu mốc kết thúc một kỉ nguyên của máy bay siêu thanh, kỷ nguyên mà bà Léna gọi là “con chim trắng khổng lồ”.
Sau tai nạn ấy, toàn bộ các chuyến bay thưởng ngoạn Nhật thực đều bị hủy bỏ, Concorde cất cánh lần cuối cùng vào năm 2003.
Có lẽ sẽ chẳng có một chuyến bay lịch sử nào như vậy nữa. Ngày nay, vệ tinh Vũ trụ có thể ngồi ngắm Mặt T rời 24/7, ta có thể tạo ra Nhật thử giả lập để mà nghiên cứu hiện tượng này. Có lẽ, nếu một lần nữa xuất hiện, thì nó cũng sẽ chỉ là một trải nghiệm thú vị, không còn được những giá trị xưa kia.
Ngày ấy, thử nghiệm Concorde đuổi Nhật thực này không chỉ mang lại những dữ liệu quý giá, những trải nghiệm khó quên, những câu chuyện thú vị mà còn cho ta một bài học: đôi khi, để đổi mới, ta cần những ý tưởng táo bạo, bất ngờ như vậy để đẩy khoa học tiến về phía trước. Chiếc Concorde thử nghiệm bay vào thời khắc đáng nhớ năm 1973 ấy hiện đang nằm tại Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Le Bourger, vẫn còn cả cửa trời ngắm Nhật thực xưa kia. Bà Léna, ông Beckman và những người liên quan đều đã có mặt tại sự kiện ra mắt chiếc máy bay này với công chúng; cùng với họ còn có cố phi công André Turcat, người vừa mất tháng Bảy năm nay.
“Ngày nay, chẳng còn chiếc máy bay nào có thể thực hiện được lại thử nghiệm này, chẳng còn chiếc nào có thể bay nhanh và bay lâu như thế nữa”, bà Léna nói. “Có những chiếc máy bay chiến đấu nhanh thật đấy, nhưng chẳng thể dẻo dai như chiếc Concorde, và chắc chắn chẳng thể mang được thiết bị nghiên cứu. Kỷ lục của chúng tôi vẫn sẽ còn tồn tại dài”.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng