Theo báo cáo của IHS Markit, Ericsson đã vượt mặt Huawei để giành lại ngôi đầu trên thị trường này sau hai năm đứng dưới.
Các báo cáo mới đây cho thấy, hãng Huawei Technologies đã bị hạ bệ khỏi ngôi đầu trong số các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông trong năm 2018, khi lời kêu gọi của chính phủ Mỹ nhằm cấm cửa các sản phẩm của công ty bắt đầu tác động đến thị trường và gây sức ép lên các nhà vận hành mạng 5G.
Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit, hãng Ericsson của Thụy Điển đã lần đầu tiên giành được vương miện này trong vòng 2 năm qua khi thị phần toàn cầu của họ tăng thêm 2,4 điểm lên 29%, trong khi Huawei giảm 1,9 điểm phần trăm xuống còn 26%. Báo cáo cho biết, một số quốc gia ngần ngại mua các thiết bị từ Huawei do cuộc chiến thương mại.
Ericsson kiểm soát quá nửa thị trường Bắc Mỹ với 68% thị phần, trong khi Huawei chỉ có 6%. Tuy nhiên, công ty Trung Quốc có đến 40% thị phần tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi, cũng như 30% của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, gia tăng thị phần của mình tại các khu vực này lên thêm 2%.
Trong khi đó, báo cáo của IHS Markit cho thấy, Huawei có thể chặn đà sụt giảm này lại bằng cách củng cố doanh số tại các khu vực ít ảnh hưởng bởi lời kêu gọi của chính phủ Mỹ về việc cấm cửa sản phẩm của Huawei.
Hiện Ericsson đang chiếm thị phần lớn nhất về lượng thiết bị 5G dự kiến xuất xưởng với 24% thị phần, tiếp theo sau là Samsung Electronics của Hàn Quốc với 21%, Nokia của Phần Lan với 20% và Huawei đứng thứ 4 với 17% thị phần. Cho dù công ty Trung Quốc đang là người dẫn đầu về số bằng sáng chế liên quan đến 5G, chiến dịch vận động của Mỹ nhằm vào Huawei đã gây ra trở ngại đáng kể cho hoạt động kinh doanh của họ.
Theo Đạo luật ủy quyền Quốc phòng Quốc gia năm tài khóa 2019, chính phủ Mỹ cấm các cơ quan chính phủ sử dụng các thiết bị do 5 công ty Trung Quốc sản xuất, bao gồm cả Huawei. Nước Úc đã ngăn không cho Huawei tham gia mạng 5G của họ, và Nhật Bản về cơ bản đã ngăn chính phủ mua các sản phẩm của Trung Quốc.
Gần đây, Liên minh châu Âu đã khuyến khích các thành viên tự đánh giá các mức rủi ro, thay vì ban hành một lệnh cấm toàn diện. Tuy nhiên, Đức lại đang tạo ra bộ tiêu chuẩn an ninh riêng của mình, tương tự với các tiêu chuẩn của Mỹ.
Vào thứ Sáu vừa qua, trong khi Huawei cho biết doanh thu cả năm của họ tăng vọt 19,5% lên mức kỷ lục 107 tỷ USD, nhưng doanh số thiết bị viễn thông doanh nghiệp của họ, như các trạm thu phát sóng, lại giảm 1,3% xuống còn 43,8 tỷ USD.
"Điều này chưa từng xảy ra trong những năm gần đây." Một quan chức Huawei cho biết về việc sụt giảm doanh thu của mảng thiết bị viễn thông.
Phát biểu tại trụ sở chính của công ty ở Thâm Quyến, chủ tịch luân phiên của Huawei, ông Guo Ping cho rằng nguyên nhân nằm ở sự sụt giảm trong chu kỳ đầu tư viễn thông toàn cầu, bổ sung thêm rằng các nhà mạng không gia tăng đáng kể chi tiêu cho việc chuyển sang 5G. Ông không đề cập đến tác động từ chính sách của Mỹ đối với công ty.
Thị trường cơ sở hạ tầng viễn thông toàn cầu đã giảm 18% xuống còn 30,5 tỷ USD, với nguyên nhân chính là do quá trình chuyển đổi từ 4G sang 5G của các nhà mạng trên thế giới.
Tham khảo Nikkei Asian
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng