Nike làm ra một đôi giày giúp người chạy quá nhanh, có thể bị cấm tại Olympics

    Tấn Minh,  

    Đôi giày này có cái tên khá kêu: Vaporfly.

    Các công ty sản xuất giày thể thao lúc nào cũng dụ dỗ người dùng thử sản phẩm của họ với những lời quảng cáo có phần hoang đường như "Mua ngay những đôi giày này để chạy nhanh hơn! Nhảy cao hơn!", và có vẻ như Nike đã thực sự làm được điều đó, chỉ có điều không phải thứ gì quá nhanh cũng tốt. Các vận động viên tham gia kỳ Olympics sắp tới đây có thể sẽ bị cấm mang giày "Vaporfly 4%" của Nike!

    Chiếc giày này có gì hấp dẫn?

    Nike Vaporfly 4% được cấu thành từ mút xốp (foam) tiên tiến kết hợp với đế làm bằng sợi carbon để tái hồi 4% năng lượng từ một bước chạy sang bước chạy tiếp theo. Theo một bài thử nghiệm được giám sát bởi tờ New York Times, một vận động viên mang phiên bản phổ thông của Vaporfly 4% chạy nhanh hơn từ 4% đến 5% so với vận động viên mặc một đôi giày chạy bộ thông thường. Cụ thể, vận động viên người Kenya là Eliud Kipchoge đã mang Vaporfly 4% và lần đầu phá kỷ lục trong cuộc đua marathon kéo dài 2 giờ đồng hồ diễn ra hồi tháng 10 năm ngoái. Sau đó, vận động viên Brigid Kosgei cũng mang đôi giày tương tự và phá luôn kỷ lục marathon dành cho nữ giới trong ngày tiếp theo.

    Và nay, theo tờ London Times, Vaporfly 4% sẽ bị World Athletics - tổ chức quốc tế đảm nhiệm việc quyết định những sản phẩm mà các vận động viên điền kinh được phép mang trong các giải đấu trên toàn cầu - cấm vào cuối năm nay. Tuy nhiên, tờ Guardian lại hoài nghi về tuyên bố này, trích dẫn nhiều nguồn khẳng định một lệnh cấm toàn diện khó có khả năng xảy ra. Thay vào đó, tờ này cho biết sẽ có một số giới hạn nhất định đối với công nghệ đế giày carbon được đưa ra trong một công bố vào cuối tháng 1 này.

    Nike làm ra một đôi giày giúp người chạy quá nhanh, có thể bị cấm tại Olympics - Ảnh 1.

    Chính xác thì chuyện gì đang xảy ra? Khi được hỏi về vấn đề này, Nike từ chối bình luận, cả World Athletics cũng vậy. Tuy nhiên, Ủy ban Olympics Quốc tế xác nhận rằng "những luật lệ và quy định" về chạy bộ thuộc về quyền hạn xử lý của World Athletics. Nói cách khác, nếu Vaporfly 4% bị cấm bởi World Athletics, đôi giày này có thể sẽ không được sử dụng tại các kỳ Olympics trong tương lai. Do đó, quyết định này áp dụng với cả các vận động viên điền kinh và người hâm mộ thể thao toàn cầu.

    Trước đây, từng có một số tiền lệ trong việc cấm các vận động viên sử dụng công nghệ wearable. Vào năm 2008, Speedo tung ra một bộ đồ bơi toàn thân với tên gọi LZR. Bộ đồ bơi này sẽ giúp tối ưu cơ thể của vận động viên để giảm lực ma sát, đồng thời giữ không khí bên trong để họ nổi trên mặt nước tốt hơn. Bộ đồ này đã được sử dụng rộng rãi tại kỳ Olympic Bắc Kinh, với 98% số huy chương bơi lội thuộc về các vận động viên mang LZR, bao gồm cả siêu kình ngư Michael Phelps. LZR còn hơn cả một bộ đồ bơi mới. Nó là một "công cụ" phá kỷ lục - mà sau đó đã bị cấm khỏi mọi cuộc thi bơi lội quốc tế vào năm 2009. Kể cả Phelps cũng đồng ý rằng lệnh cấm này là một quyết định đúng đắn.

    Nike làm ra một đôi giày giúp người chạy quá nhanh, có thể bị cấm tại Olympics - Ảnh 2.

    Việc bạn mang Vaporfly hay LZR khi thi đấu có thể không quan trọng là bao, bởi chúng ta không phải những vận động viên đẳng cấp thế giới - những người luôn tìm cách đẩy cơ thể đến giới hạn tối đa về mặt lý thuyết trong các giải đấu mà chỉ một phần vài trăm giây cũng đủ để biến những huyền thoại thành những kẻ bị lãng quên và ngược lại. Vào năm 2013, khi CEO Nike lúc đó là Mark Parker phát biểu tại một sự kiện ở Beaverton, Oregon, trước khi giới thiệu công nghệ Flyknit mới nhất - trong đó một chiếc giày sẽ được dệt sao cho khi mang vào chân sẽ vừa vặn như một chiếc tất - ông đã nói rất hăng say về thứ đã thôi thúc các kỹ sư và nhà thiết kế của Nike làm việc mỗi ngày: sự "cường hóa tự nhiên" - cơ thể con người đã có gì về mặt sinh học, và làm thế nào để tăng cường nó bằng công nghệ. "Chúng tôi sử dụng cải tiến để phục vụ tiềm năng của con người, chứ không thắc mắc về những giới hạn của con người. Cải tiến là thuốc giải cho những giới hạn của con người".

    Nếu có điều gì được chứng minh qua việc Eliud Kipchoge mang Vaporfly hay Michael Phelps mang LZR, thì đó là Parker - mà nay đã được thay thế bởi John Donahoe - đã nói đúng. Và liệu mục đích của các cuộc thi có phải là nhằm đánh giá thành tích cá nhân của mỗi vận động viên, hay những thành tựu công nghệ vĩ đại của nhân loại? Câu trả lời tùy thuộc vào tương lai của thể thao.

    Tham khảo: FastCompany

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày