Nói thật là: macOS bao năm phục vụ công việc, giờ chơi được game sao cộng đồng Windows lại xôn xao?
Cyberpunk 2077 nay đã chính thức chạy mượt trên các mẫu Mac dùng chip Apple Silicon. Điều này không chỉ khiến cộng đồng Mac hứng thú, mà còn khiến nhiều game thủ Windows phải để mắt tới.
Đây là bài viết thuộc tuyến nội dung "Nói Thật" với mục tiêu chia sẻ góc nhìn cá nhân của người viết sau quá trình trải nghiệm thực tế sản phẩm. Những nhận định trong bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả, dựa trên điều kiện sử dụng cụ thể và nhu cầu cá nhân. Chúng tôi hiểu rằng mỗi người dùng có tiêu chí đánh giá và cảm nhận khác nhau, vì vậy nội dung trong bài có thể không hoàn toàn phù hợp với tất cả mọi người. Chúng tôi luôn tôn trọng sự đa dạng trong ý kiến và mong muốn lắng nghe thêm những chia sẻ từ bạn đọc.
Từ trước đến nay, máy Mac luôn gắn liền với hình ảnh của dân làm việc. Nhiều lập trình viên, nhà thiết kế, làm phim, đều xem macOS là công cụ tin cậy cho công việc chuyên môn. Game, đặc biệt là những game AAA đình đám, gần như nằm ngoài thế giới của Mac.
Những ngày đầu Apple giới thiệu chip M1, người dùng Mac lần đầu tiên được thấy các tựa game bom tấn như Resident Evil Village hay Death Stranding phát triển cho Apple Silicon. Dù vậy, các tựa game này phần lớn vẫn là những cái tên không thật sự đặt nặng về đồ hoạ.
Nhưng mọi chuyện đã thật sự thay đổi khi Cyberpunk 2077: Ultimate Edition chính thức đặt chân lên nền tảng này - một game đồ họa đỉnh cao, hiện đại, vẫn đang tiếp tục được cập nhật, quan trọng hơn, là một trong những biểu tượng của thế hệ game AAA mới. Và lần này, không chỉ người dùng Mac hào hứng, mà cả cộng đồng game thủ Windows cũng bắt đầu… chú ý.
Với người dùng Mac lâu năm, việc một game "khủng" như Cyberpunk 2077 xuất hiện trên App Store đã đủ ngỡ ngàng. Nhưng ngạc nhiên hơn là cách nó vận hành. Những mẫu máy phổ thông như MacBook Air M4 hay Mac mini M4 đều có thể chạy game ở mức thiết lập mặc định "For This Mac", giữ được tốc độ khung hình ổn định 30fps, độ phân giải 1080p với MetalFX, chất lượng hình ảnh khá ổn và không cần người chơi phải tự tay chỉnh sửa bất kỳ thông số kỹ thuật nào.

Mac mini M4 chạy Cyberpunk 2077 với thiết lập mặc định.
Trên MacBook Pro M4 Pro, khung hình thậm chí có thể lên đến cả trăm FPS khi bật tính năng tạo khung hình. Tôi đã trải nghiệm game này trên nhiều mẫu máy Mac khác nhau, từ MacBook Air M4 cho đến MacBook Pro M4 Pro, và có thể khẳng định: đây là một tựa game AAA chạy tốt nhất từ trước đến nay trên macOS.
Tuy nhiên, việc một tựa game như Cyberpunk 2077 chạy tốt trên Mac dường như đã chạm vào điều gì đó trong tâm lý cộng đồng Windows. Trên mạng xã hội và diễn đàn, những so sánh bắt đầu xuất hiện. Có người mỉa mai: "Chỉ được 30 fps ở 1080p?" hay "Muốn ray tracing phải mua Mac Studio 4.000 USD? Build PC còn rẻ hơn", "laptop Windows cùng giá chơi còn ngon hơn MacBook Air M4".
Dù mang màu sắc giễu cợt, những bình luận này cho thấy chính Cyberpunk 2077 trên Mac đã khiến người dùng Windows cảm thấy cần phải để mắt tới.
Nhưng nói thật là, macOS bao năm phục vụ công việc, giờ chơi được game, sao cộng đồng Windows lại xôn xao so sánh?
Mỗi nền tảng sinh ra với những triết lý và ưu tiên rất khác nhau. Windows là đất sống của game PC, nơi phần cứng có thể tùy biến vô hạn và người dùng được quyền can thiệp vào mọi thông số kỹ thuật. Trong khi đó, macOS từ lâu được định vị là hệ sinh thái phục vụ công việc, nơi tính ổn định, sự đơn giản và hiệu quả năng lượng luôn được đặt lên hàng đầu.
Trong bài viết trải nghiệm của mình, tôi không đặt Cyberpunk 2077 trên Mac lên bàn cân với phiên bản Windows. Đó không phải mục tiêu. Mac không hướng đến cuộc đua 4K, ray tracing tối đa hay hiệu năng vượt trội, mà hướng đến trải nghiệm đơn giản: cài game và chơi, không cần tinh chỉnh.
Thật ra, ngay cả trong cộng đồng người dùng Mac, chơi game chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu. Đa phần xem đây như một khả năng "nice to have", có thì tốt, không có cũng chẳng ảnh hưởng đến quyết định chọn mua. Bởi nếu chạy đua theo hướng "gaming" như Windows, macOS có nguy cơ đánh mất chính những lợi thế đã giúp nó trở thành lựa chọn hàng đầu trong giới sáng tạo chuyên nghiệp: sự ổn định, bảo mật và hiệu suất bền bỉ cho công việc.
Việc Apple Silicon chơi được một vài tựa game nổi tiếng đã là điều thú vị, nhưng không đến mức khiến người dùng Mac kỳ vọng sẽ biến macOS thành một nền tảng gaming thực thụ. Cho nên, khi "bom tấn đồ hoạ" Cyberpunk 2077: Ultimate Edition xuất hiện với trải nghiệm tốt đến bất ngờ, nó tạo ra sự quan tâm không chỉ từ cộng đồng Mac mà còn từ chính người dùng Windows.

Đa phần người dùng Mac xem game như một khả năng "nice to have", nhưng trải nghiệm Cyberpunk 2077 tốt bất ngờ ngay cả trên mẫu MacBook Air M4 siêu mỏng không quạt đã khiến ngay cả game thủ Windows cũng phải tò mò.
Nếu phải so sánh, tôi cho rằng việc Cyberpunk 2077 chạy được trên Mac tương tự như việc The Witcher 3 được port lên Nintendo Switch hay Cyberpunk 2077 trên Switch 2 . Không ai kỳ vọng máy chơi game nhỏ gọn của Nintendo sẽ mang lại đồ họa như PC, nhưng chúng vẫn được chú ý, vì đó là một thành tựu về tối ưu game. Cyberpunk 2077 trên macOS cũng vậy, Apple rõ ràng không muốn đọ sức mạnh với PC Windows, mà là để chứng minh rằng một nền tảng tưởng như "ngoại đạo" như macOS cũng có thể trở thành hệ sinh thái tốt cho game nếu được chăm chút.
Có lẽ game thủ Windows không nên nhìn vào Mac mà hãy nhìn sang Microsoft
Gần hơn, thay vì đối chiếu với những PC gaming, có lẽ nên là các mẫu laptop Windows dùng chip ARM - vốn là nền tảng cùng kiến trúc với Apple Silicon. Những chiếc máy như Surface Laptop với Snapdragon X Elite hay X Plus cũng đang dần được định vị là laptop mỏng nhẹ, tối ưu cho công việc và rõ ràng là câu trả lời của Microsoft cho MacBook.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc một tựa game như Cyberpunk 2077: Ultimate Edition được tối ưu kỹ lưỡng và chạy mượt mà không cần cấu hình thủ công, là điều mà các mẫu laptop ARM chạy Windows vẫn chưa thể tái hiện được, thậm chí với công nghệ AMD FSR.
Điều này càng đáng nói hơn khi Microsoft - một công ty khổng lồ với nguồn lực phát triển phần mềm và phần cứng chẳng kém gì Apple - lại chưa thể mang đến trải nghiệm đơn giản và mượt mà tương tự trên hệ điều hành của mình. Việc tối ưu game cho chip ARM trên Windows vẫn còn nhiều rào cản, từ công cụ phát triển, hệ sinh thái đến sự phối hợp với các nhà phát hành game.
Có lẽ chính bản thân Microsoft cũng không muốn đưa game đến các máy Windows ARM. Trong khi đó, Apple lại đang từng bước xây dựng một trải nghiệm chơi game liền mạch và dễ tiếp cận hơn, ít nhất là với những người không phải game thủ hardcore.
Không thể phủ nhận rằng Windows vẫn là nền tảng lý tưởng nhất cho game thủ thực thụ. Từ sức mạnh vượt trội của các GPU rời, hệ sinh thái phần mềm đồ sộ đến khả năng tùy chỉnh sâu từng thông số - đây là những lợi thế mà macOS, ít nhất là trong hiện tại, vẫn khó mà theo kịp. Với những ai đam mê hiệu năng, hình ảnh siêu đẹp, mod và trải nghiệm game không giới hạn, Windows vẫn là lựa chọn hàng đầu.

Nhưng mỗi nền tảng đều có vai trò và giá trị riêng. macOS có thể không đạt đến chất lượng đồ họa cao nhất hay hỗ trợ rộng khắp cho mọi game, nhưng bù lại là sự đơn giản và hiệu quả.
Điều này cũng gián tiếp nâng cao trải nghiệm làm việc hằng ngày, bởi khi một chiếc máy có thể vừa xử lý tốt công việc chuyên môn, vừa đáp ứng một chút nhu cầu giải trí, nó khiến người dùng hài lòng hơn với mục tiêu của thiết bị mình đang sử dụng.
Điều này cũng không đồng nghĩa rằng macOS sẽ thay thế Windows trong thế giới game. Nhưng sự xuất hiện của những tựa game như Cyberpunk 2077 trên nền tảng Apple Silicon được tối ưu tốt, dễ tiếp cận, đang mở ra một hướng đi mới cho cả Apple và… Microsoft.
Microsoft hoàn toàn có thể học hỏi Apple trong việc tối ưu game cho thiết bị cụ thể. Apple không tạo ra một hệ sinh thái gaming rộng lớn như Windows, nhưng họ cho thấy rằng, nếu kiểm soát tốt phần cứng, phần mềm, nền tảng đồ họa thì việc tối ưu trải nghiệm chơi game là hoàn toàn khả thi, ngay cả với các mẫu máy không phải gaming.
Bỏ qua máy bàn hay laptop có vô vàn thương hiệu và linh kiện, thì với làn sóng thiết bị chơi game cầm tay chạy Windows đang nở rộ như ROG Ally, Legion Go hay MSI Claw, Microsoft đang đứng trước cơ hội thực sự. Nếu công ty có thể đưa ra một cơ chế tương tự "For This Mac" - chẳng hạn như "For This Handheld" thì trải nghiệm người dùng trên những chiếc máy chơi game di động sẽ đơn giản và mượt mà hơn rất nhiều. Không cần phải mò mẫm thiết lập, mọi thứ đều được nhà phát triển tinh chỉnh sẵn cho cấu hình máy đó, mang đến một trải nghiệm thật sự "console" nhưng vẫn giữ lại tính linh hoạt của PC nếu game thủ muốn tùy chỉnh.
Nhìn lại thì, việc Cyberpunk 2077 chạy ngon lành trên Mac đâu chỉ tốt cho người dùng Apple, biết đâu lại là cơ hội để game thủ Windows có các thiết bị cầm tay thân thiện hơn đấy chứ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nói thật là: macOS bao năm phục vụ công việc, giờ chơi được game sao cộng đồng Windows lại xôn xao?
Cyberpunk 2077 nay đã chính thức chạy mượt trên các mẫu Mac dùng chip Apple Silicon. Điều này không chỉ khiến cộng đồng Mac hứng thú, mà còn khiến nhiều game thủ Windows phải để mắt tới.
Giấc mơ nghìn năm thành hiện thực: lò phản ứng nhiệt hạch biến thủy ngân thành vàng