Nói thật là, pin silicon-carbon "ngon" đấy nhưng có 3 điểm trừ này, bảo sao Apple, Samsung ngại chưa dùng

    Phạm Hoàng,  

    Pin silicon-carbon đang khiến người dùng công nghệ “phát sốt” vì những lợi thế quá rõ ràng, nhưng với các ông lớn hàng đầu như Apple và Samsung, câu chuyện lại không đơn giản như vậy.

    Đây là bài viết thuộc tuyến nội dung "Nói Thật" với mục tiêu chia sẻ góc nhìn cá nhân của người viết sau quá trình trải nghiệm thực tế sản phẩm. Những nhận định trong bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả, dựa trên điều kiện sử dụng cụ thể và nhu cầu cá nhân. Chúng tôi hiểu rằng mỗi người dùng có tiêu chí đánh giá và cảm nhận khác nhau, vì vậy nội dung trong bài có thể không hoàn toàn phù hợp với tất cả mọi người. Chúng tôi luôn tôn trọng sự đa dạng trong ý kiến và mong muốn lắng nghe thêm những chia sẻ từ bạn đọc.

    Những chiếc smartphone Trung Quốc gần đây thi nhau ra mắt với viên pin silicon - carbon dung lượng siêu cao, có model thậm chí chạm mốc hơn 7000mAh mà thân máy vẫn mảnh mai, thời gian sử dụng dài gấp rưỡi so với mức trung bình. Trên các diễn đàn và mạng xã hội, không ít người dùng tỏ ra phấn khích, thậm chí không ngần ngại cho rằng Samsung và Apple đang quá chậm chân, cứ tiếp tục tái chế thiết kế cũ, chưa có bất kỳ "đột phá" nào về pin trong nhiều năm qua.

    Nói thật là, pin silicon-carbon "ngon" đấy nhưng có 3 điểm trừ này, bảo sao Apple, Samsung ngại chưa dùng- Ảnh 1.

    Apple và Samsung bị chê bai khi không chuyển sang dùng pin silicon - carbon với dung lượng lớn hơn như các hãng Trung Quốc.

    Thế nhưng, sự im lặng của hai ông lớn không có nghĩa là họ đang... ngủ quên. Có tới 3 lý do đủ sức khiến họ phải dè chừng, và đọc xong thì ngay cả người khó tính nhất cũng phải gật gù đồng tình.

    Dung lượng cao nhưng... tuổi thọ thấp

    Đúng là silicon có thể lưu trữ nhiều ion lithium gấp gần 10 lần than chì, tạo ra dung lượng pin vượt trội. Tuy nhiên, tuổi thọ pin silicon - carbon vẫn là dấu hỏi lớn, khi hiện tượng chai pin sau vài trăm chu kỳ sạc - xả diễn ra nhanh hơn đáng kể. Chính xác thì, pin silicon - carbon hiện tại chỉ đạt khoảng 800 chu kỳ sạc là đã giảm dung lượng thực xuống 80%. Trong khi đó, Samsung hiện đã hứa hẹn đạt 2.000 chu kỳ sạc trước khi pin bắt đầu chai theo tiêu chuẩn của Châu Âu mới đây.

    Nói thật là, pin silicon-carbon "ngon" đấy nhưng có 3 điểm trừ này, bảo sao Apple, Samsung ngại chưa dùng- Ảnh 2.

    Đánh đổi cho dung lượng lớn là tuổi thọ pin chỉ đạt khoảng 800 lần trước khi giảm còn 80% dung lượng.

    Với các hãng điện thoại Trung Quốc, đây không phải vấn đề quá nghiêm trọng vì họ không thực sự cần đảm bảo sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn đặc biệt nào. Nhưng với Apple hay Samsung - 2 ông lớn đặt trải nghiệm lâu dài và độ bền thiết bị lên hàng đầu, thì việc dùng công nghệ chưa thực sự bền vững sẽ là canh bạc quá rủi ro.

    Silicon giãn nở đến 300% khi sạc: Nỗi sợ có tên

    Silicon vốn dĩ là vật liệu khó thuần. Khi sạc đầy, điện cực làm từ silicon có thể giãn nở thể tích tới 300%, gây nứt gãy cấu trúc, mất kết nối điện hoặc trong trường hợp xấu có thể gây lỗi nghiêm trọng trong quá trình sử dụng.

    Nói thật là, pin silicon-carbon "ngon" đấy nhưng có 3 điểm trừ này, bảo sao Apple, Samsung ngại chưa dùng- Ảnh 3.

    Dù có gây ra vấn đề hay không, Samsung và Apple chắc chắn vẫn phải dè chừng việc pin silicon có thể giãn nở quá nhiều trong quá trình sạc.

    Đây chính là điều mà Samsung không thể để xảy ra lần nữa, sau bài học nhớ đời từ vụ nổ pin Galaxy Note7 năm xưa. Tất nhiên, không phải cứ dùng silicon-carbon là sẽ gặp sự cố, bởi các hãng Trung Quốc hiện cũng đã có biện pháp kiểm soát nhất định. Nhưng với một công ty đang cung cấp hàng trăm triệu thiết bị mỗi năm trên toàn cầu, Apple hay Samsung cần đảm bảo rủi ro ở mức gần như bằng 0.

    Chi phí sản xuất cao

    So với pin than chì thông thường, pin silicon - carbon có chi phí sản xuất cao hơn đáng kể, từ vật liệu đến quy trình. Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi Mỹ đang siết chặt luật thuế quan và kiểm soát linh kiện công nghệ, cả Samsung lẫn Apple đều buộc phải tối ưu chi phí để giữ biên lợi nhuận ổn định. Họ không thể "nằm gai nếm mật" theo kiểu các thương hiệu Trung Quốc, sẵn sàng giảm lãi để chiếm thị phần.

    Nói thật là, pin silicon-carbon "ngon" đấy nhưng có 3 điểm trừ này, bảo sao Apple, Samsung ngại chưa dùng- Ảnh 4.

    Pin silicon-carbon có chi phí sản xuất cao hơn ít nhất 10 - 30% so với pin li-ion mà 2 hãng đang sử dụng hiện nay.

    Vậy Samsung và Apple đang làm gì?

    Thực tế, cả hai hãng đều đã được đồn đoán là đang âm thầm thử nghiệm các thế hệ pin silicon - carbon, làm sao để chúng có cấu trúc ổn định hơn, có thể kết hợp với công nghệ quản lý nhiệt và mạch bảo vệ mới. Mục tiêu là tăng dung lượng và thời lượng sử dụng nhưng không phải hy sinh độ bền, độ an toàn hay trải nghiệm lâu dài.

    Khi thời điểm chín muồi, rất có thể họ sẽ "đặt cược", nhưng sẽ là một nước cờ mang tính chắc chắn hơn. Và thời điểm đó đang được kì vọng là năm 2026 tới, khi Galaxy S26 và iPhone 18 ra mắt.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ