Ra đường chụp ảnh với Fujifilm X-S20: Không còn là dòng máy 'nhập môn'
(Tổ Quốc) - Sau 2 năm rưỡi, dòng X-S ‘trưởng thành’ hơn để đáp ứng được những nhu cầu sử dụng mang tính chuyên nghiệp hơn của cả nhiếp ảnh gia lẫn người quay video.
Vào những ngày cuối năm 2020, Fujifilm có một nước đi làm mọi người không thể ngờ tới: người dùng thì mong chờ sự ra mắt của X-T40 thì hãng lại ra mắt một dòng máy hoàn toàn mới mang tên X-S10. Đây có thể coi là chiếc máy ảnh hướng tới người chụp ảnh nghiệp dư, thích kiểu điều khiển của DSLR hơn là những vòng xoay truyền thống của dòng X-T, X-Pro và X-H.
Phải tới hơn 2 năm rưỡi sau dòng sản phẩm này mới được nâng cấp với cái tên khá dễ đoán: Fujifilm X-S20. Trong thời gian này, dòng X-S đã thay đổi để trở nên chuyên nghiệp hơn, không còn là dòng máy hướng tới ‘tay mơ’ nữa.
Nếu chỉ nhìn lướt qua mà không để ý để chữ ‘X-S20’ ở cạnh phải thì mọi người sẽ không nhận ra đây là dòng máy mới, vì X-S20 không có nhiều sự thay đổi về ngoại quan, ít nhất là ở mặt trước so với X-S10. Ta vẫn có một dòng máy với thiết kế mang hơi hướng hoài cổ đặc trưng của Fujifilm.
Tuy vậy khi cầm máy lên thì ta có thể cảm nhận ngay được sự khác biệt: phần báng cầm được làm dày hơn 1.7mm nên cho cảm giác ‘đầy tay’ hơn.
Báng cầm dày hơn X-S10, X-S20 cũng dày hơn cả các dòng khác của hãng như X-T4 và X-Pro3 - một ưu điểm đối với những bạn có lòng bàn tay lớn, sẽ cho cảm giác chắc chắn hơn. Trong buổi chụp khoảng 3 tiếng ngoài trời, tôi không sử dụng dây đeo và cầm máy liên tục ở báng nhưng cũng không cảm thấy bị cấn, mỏi tay quá nhiều. Vấn đề công thái học vẫn là điểm tôi cảm thấy thích ở dòng X-S và X-H so với X-T hay X-Pro.
Máy có đầy đủ những cổng kết nối cần thiết bao gồm micro HDMI, USB Type-C (chuyển được dữ liệu và cũng sạc được), cổng microphone và cổng tai nghe. Một nhược điểm nhỏ ở đây là cổng tai nghe được đặt ở gần với báng cầm, nên khi sử dụng tai nghe ta sẽ phải ‘né’ tay ra 1 chút.
Máy có một flash ‘cóc’ để chụp trong những điều kiện thiếu sáng hoặc ngược sáng.
Cạnh trên của máy không có quá nhiều sự thay đổi về cách đặt phím, có chăng chỉ là thay khác về ngoại quan các nút bấm mà thôi. Tại đây ta có thể thấy được vòng xoay chỉnh chế độ và vòng xoay có thể tùy chỉnh chức năng, thay vì những vòng để chỉnh tốc độ chụp, ISO riêng giống như những dòng máy truyền thống của Fujifilm.
Đây là sự khác biệt lớn nhất, khi X-S dường như hướng tới những người thích cách điều khiển có phần ‘hiện đại’ hơn của DSLR, được phân chia thành các chế độ rất riêng biệt. Giống như X-S10, kiểu thiết kế này làm máy bớt đi sự ‘hoài cổ’ thường thấy trên máy Fujifilm nhưng cũng sẽ dễ làm quen đối với người mới và những bạn chuyển từ DSLR sang.
Thiết kế thân thiện với người dùng mới cũng được thể hiện ở mặt sau, với phần Joystick điều hướng dễ dàng và một màn hình lớn 3 inch tích hợp cảm ứng. 2 thành phần này kết hợp với nhau giúp việc chọn các tùy chỉnh trong cài đặt, chỉnh thông số trong lúc chụp và lấy nét đều tự nhiên và nhanh chóng.
Bên cạnh đó thì màn hình cũng có khả năng xoay lật đa hướng - luôn là loại màn hình được đánh giá cao trong cả việc chụp ảnh lẫn quay phim. Có những lúc tôi phải chụp rất thấp (trẻ con, chó mèo…) hoặc chụp cao hơn đầu để tránh người, màn hình xoay lật trở thành ‘cứu cánh’ để tôi không phải nằm sát xuống đất hoặc rướn người để thấy mình đang chụp thế.
Ta cũng có thể xoay hẳn màn hình ra phía trước như thế này để chụp ảnh selfie.
Máy cũng có một chế độ riêng dành cho việc quay Vlog, sẽ tự động bật lấy nét mắt, lấy nét mặt, thêm cả khả năng làm mờ hậu cảnh nếu người dùng cần. Máy cũng có trọng lượng khá nhẹ, nên chỉ cần kết hợp với một ống kính góc rộng nhỏ gọn nữa thì sẽ trở thành một ‘combo’ vlog mạnh mẽ.
Phía trên màn hình là kính ngắm điện tử, với ưu điểm là độ phân giải 2.36 điểm đủ độ nét, tần số làm tươi ‘mượt’ 100Hz nhưng có độ phóng đại chỉ 0.62x không quá lớn, không cho cảm giác ‘đầy mắt’ khi sử dụng.
Nâng cấp mà chắc chắn nhiều bạn chờ đợi là viên pin W235 mới, có thời lượng sử dụng tăng từ 350 tấm của phiên bản đầu tiên lên 750 - 800 tấm trên X-S20. Đây là một nâng cấp lớn, đặc biệt trên một dòng máy cũng có khả năng quay độ phân giải cao như X-S20, viên pin cũ chắc chắn sẽ không ‘kham’ được. Trong buổi chụp khoảng 150 tấm, chiếc X-S20 tôi sử dụng mất 1 trên 5 vạch pin từ trạng thái được sạc đầy, tức là bằng với thông số mà hãng công bố.
Cũng được ra mắt cùng X-S20 là ống kính XF 8mm f/3.5 R WR. Có lẽ tôi sẽ không nhắc lại nhiều về những thông số thấu kính nữa, bạn đọc có thể tham khảo thêm tại bài viết ra mắt bộ đôi này. Cầm trên thực tế, ống kính này khá gọn gàng nhưng vẫn cho cảm giác cao cấp vì được hoàn thiện bằng kim loại, bên cạnh đó là sẽ có độ bền tốt vì có tính năng kháng thời tiết.
Đây là ống kính chính tôi sử dụng trong buổi chụp với X-S20, bên cạnh XF 27mm f/2.8 và XF 56mm f/1.2. Tiêu cự 8mm tương đương 12mm trên máy ảnh Full-frame là rất rộng, thường được dùng để chụp phong cảnh, kiến trúc nhưng chụp ảnh đường phố cũng tạo được những tấm ảnh khác lạ.
Trở lại với nhân vật chính là X-S20, máy có cảm biến kích thước APS-C X-Trans IV CMOS 26.1MP, tức là không có sự thay khác so với phiên bản tiền nhiệm. Điểm được nâng cấp là chip xử lý hình ảnh, từ X-Processor 4 lên 5 với tốc độ được tăng lên gấp 2 lần, giúp tăng tốc khả năng lấy nét, nhận diện vật và chống rung IBIS.
Việc không thay đổi cảm biến ảnh cũng không phải là nhược điểm gì quá lớn cả, việc các hãng ảnh nâng cấp về tính năng, thời lượng pin nhưng giữ nguyên cảm biến là không lạ. Cảm biến 26.1MP trên X-S20 vẫn là một cảm biến tốt, đã được kiểm chứng trên các dòng máy cao cấp hơn như X-T4.
Là một dòng máy Fujifilm, X-S20 vẫn có thế mạnh về khả năng tái tạo màu sắc trên ảnh JPEG nhờ những bộ giả lập màu phim. Kể cả ở chế độ mặc định mà tôi sử dụng trong đa phần hình ảnh của buổi chụp, hình ảnh vẫn luôn đậm đà mà không có cảm giác bị ‘bết’ vào nhau.
Các hiệu ứng khác như tăng tương phản động (HDR), thêm hạt grain cũng được tích hợp vào máy, nên khi đã ‘chỉnh chọt’ vừa ý rồi tôi sẽ có thể chụp ảnh những ảnh ‘ăn ngay’ dễ dàng, khi cho vào phần mềm hậu kỳ tôi cũng chỉ chỉnh lại độ sáng nếu cần mà thôi.
Nâng cấp được hãng nói tới nhiều nhất là khả năng lấy nét bằng trí tuệ nhân tạo, nhận diện được loại chủ thể được chụp để ‘bắt’ nét nhanh hơn, bao gồm động vật, chim, ô tô, xe máy và xe đạp, máy bay và tàu hỏa.
Những chế độ lấy nét này cũng có thể được chọn trong menu tùy chỉnh nhanh, ta không cần phải ‘bới’ trong mục tùy chỉnh đầy đủ.
Khả năng lấy nét nói chung cũng như lấy nét tùy vào chủ thể của X-S20 đều rất nhanh, ít nhất là với những ống kính mới. Khi sử dụng với XF 56mm f/1.2 (phiên bản đầu tiên) thì sẽ bị khựng lại một nhịp - nhưng đây là giới hạn của loại ống kính này chứ không phải đến từ X-S20.
Nhìn chung, X-S20 đem lại một trải nghiệm chụp đường phố tốt nhờ sự kết hợp của kích thước nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ, màn hình xoay lật giúp chụp những góc khó, viên pin được nâng cấp để sử dụng được lâu hơn (giúp mình không phải đem thêm pin sơ-cua) và khả năng bắt nét nhanh chóng.
Tôi vẫn muốn có một ống ngắm điện tử với kích thước lớn hơn để dễ dàng kiểm tra xem hình ảnh của mình đã nét hay chưa, bên cạnh đó nếu máy có 2 khe cắm thẻ nhớ cũng sẽ tạo cảm giác yên tâm hơn - nếu 1 thẻ bị hỏng thì vẫn còn 1 chiếc để lấy ảnh ra. Những tính năng này tất nhiên là hãng đã ‘để dành’ cho các sản phẩm cao cấp hơn là X-T5 và X-H2, muốn có thì ta phải chi tiền để nâng cấp.
Được thiết kế để trở thành dòng máy ‘hybrid’ tức là vừa để chụp vừa để quay, X-S20 cũng trang bị khá nhiều nâng cấp về khả năng quay. Ta có khả năng quay 6.2K 30p tỷ lên 3:2, 4K 60p khi quay vào thẻ nhớ và tăng lên 5.2K 60p khi chuyển dữ liệu qua HDMI. Để có một cái nhìn chuyên sâu hơn về khả năng quay phim, bạn đọc có thể tham khảo video đánh giá của anh Cường từ kênh Làm Phim Nghiệp Dư về X-S20.
Fujifilm X-S20 - Máy ảnh mới từ nhà Phú Sĩ Phim | Làm Phim Nghiệp Dư
Tại đây anh Cường có nhắc tới một nhược điểm của X-S20 mà tôi cũng gặp phải là nếu sử dụng quay, chụp dưới trời nóng trong thời gian dài thì máy sẽ hiện lên thông báo quá nhiệt, cần tắt và bật lại máy để sử dụng được tiếp. Tuy vậy ngày tôi đi chụp cũng là những ngày nóng nhất tại Hà Nội - nhiệt độ thường lên tới hơn 40 độ nên việc máy bị nóng lên cũng là điều đương nhiên mà thôi!
Không còn là dòng máy ‘nhập môn’ nữa
Nói theo cách của các bạn trẻ, thì Fujifilm X-S20 mặc dù có ‘giao diện’ giống với X-S10 nhưng ‘hệ điều hành’ đã có sự nâng cấp đáng kể. Đây không còn là dòng máy chỉ dành cho người ‘mới nhập môn’ hay chỉ ‘chụp chơi’ nữa, hoàn toàn có thể trở thành dòng máy chính của nhiếp ảnh gia và người quay phim bán chuyên, hoặc máy phụ của người làm nghề chuyên nghiệp.
Điều này cũng thể hiện rõ qua mức giá, khi máy đã có giá cao hơn 9 triệu so với X-S10 (so sánh giá bán mới trong thời điểm ra mắt). Đây vẫn không phải là mức giá cao đối với lượng tính năng mà X-S20 đem lại, nhưng cũng sẽ làm bạn phải suy ngẫm thêm một chút trước khi ‘xuống tiền’ rồi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng