Rise of the Ronin: Siêu phẩm vượt ra khỏi ranh giới “an toàn” của Team Ninja
Rise of the Ronin mang đến một lối chơi kết hợp giữa nhiều game bom tấn, nhưng lại có các điểm yếu dễ nhận ra.
- Apple đã đưa ra giải pháp bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ thế nào?
- 50 tỷ USD và 3 tỷ USD: Hai con số khiến ngành AI giật mình, phải chăng "bong bóng dotcom" đã trở lại?
- Discord vừa biến mọi PC trở thành "máy cày view": Video đạt 1.4 tỷ view chỉ trong 1 ngày, Sky hay fan K-pop cũng phải "chào thua"
- Google hủy hàng tỷ dữ liệu duyệt web riêng tư của người dùng
- Bàng hoàng với cách Facebook vi phạm quyền riêng tư: Bán cả tin nhắn người dùng cho Netflix với giá 100 triệu USD
Nếu đã là tín đồ chơi game, có lẽ chúng ta không quá xa lạ với Team Ninja - một nhà phát triển game nổi tiếng với các thương hiệu như Nioh và Ninja Gaiden cực kỳ thành công, cả hai được yêu thích bởi có lối chiến đấu cực kỳ thử thách nhưng cùng với đó là sự phấn khích mỗi khi vượt qua kẻ địch.
Với Rise of the Ronin, Team Ninja đã tốn 9 năm để phát triển bởi đây là tựa game vượt ra ngoài ranh giới "an toàn" thông thường của họ để lần đầu tiên tạo ra một game nhập vai hành động thế giới mở.
Bối cảnh Nhật Bản xưa
Trong Rise of the Ronin, bạn vào vai một Ronin, samurai lang thang không phục vụ một lãnh chúa hay chủ nhân nào vào cuối thế kỷ 19 của Nhật Bản. Giai đoạn này là một chủ đề lịch sử thú vị chưa được khám phá trong thế giới game. Bối cảnh này khiến nhiều người so sánh Rise of the Ronin với tựa game nổi tiếng khác là Ghost of Tsushima, nhưng trên thực tế, hai tựa game này có rất nhiều điểm khác biệt.
Game lấy bối cảnh Nhật Bản sau hơn 250 năm tự cô lập, bất ngờ bị buộc phải thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ngoài. Sự xuất hiện của những nhân vật có thật như Phó đề đốc Matthew Perry đã đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ này, buộc Nhật Bản phải mở cửa thương mại với Mỹ và phát triển công nghệ từ những loại vũ khí lỗi thời như Katana và súng Tanegashima đến những loại vũ khí hiện đại hơn như súng lục ổ xoay và đại bác. Căng thẳng gia tăng về sự can thiệp của nước ngoài đã lên đến đỉnh điểm là cuộc nội chiến giữa phe Chống Mạc phủ và các phe phái ủng hộ Mạc phủ.
Điều này mang đến một bối cảnh và lượng vũ khí rất khác so với Ghost of Tsushima, lấy bối cảnh tại đảo Tsushima của Nhật Bản vào cuối thế kỷ 13.
Cốt truyện
Trong thế giới này, bạn là một phần của Veiled Edge; đơn vị chiến binh song sinh đặc biệt của Gia tộc Kurosu, được đào tạo từ khi sinh ra để trở thành những chiến binh cực kỳ điêu luyện. Không hài lòng với mối quan hệ ngày càng tăng giữa Mạc phủ và Chính phủ Mỹ, Gia tộc Kurosu đã ra lệnh cho người chơi cùng với anh em song sinh Veiled Edge của mình đánh cắp tài liệu bí mật từ đội tàu Black Ship neo đậu ở Yokohama và ám sát người tiên phong trong quan hệ Mỹ - Nhật Bản, Matthew Perry.
Từ đó, bạn bắt đầu hành trình của mình để định hình tương lai của Nhật Bản. Bạn gặp hơn 80 nhân vật trong game và tương tác nhiều với khoảng 50 người trong số họ, mỗi người có quan điểm, lý tưởng và lòng trung thành phe phái riêng, tất cả kết hợp với nhau để tạo ra một dàn nhân vật cực kỳ đa dạng và một cốt truyện thú vị. Tuy nhiên, cũng bởi có "dàn diễn viên" đông đảo, rất nhiều nhân vật cuối cùng lại thiếu đất diễn trong phần quan trọng của câu chuyện, vì có quá nhiều nhân vật để đưa tất cả cùng một lúc vào các sự kiện đối đầu lớn.
Dù vậy, cốt truyện và kịch bản của Rise of the Ronin vẫn được chăm chút rất kỹ lưỡng. Bạn chủ động khắc họa câu chuyện thông qua những lựa chọn quan trọng mà đôi khi khiến bạn thực sự phải dừng lại và suy nghĩ khá lâu.
Tuy nhiên, cốt truyện của game không phải lúc nào cũng hoàn hảo, thật kỳ lạ khi các nhân vật từ các phe phái đối địch lại tỏ ra thờ ơ khi bạn đứng về phía đối thủ của họ, vẫn coi bạn như một người bạn và dành trọn niềm tin. Ngoài ra, lựa chọn chọn phe không thực sự hấp dẫn.
Nhìn chung, Rise of the Ronin có thể nói là có cốt truyện hay nhất mà Team Ninja đã tạo ra cho đến nay. Tuy nhiên, gameplay lại là thứ có thể khiến một số fan của Team Ninja thất vọng.
Gameplay
Trong khi cốt truyện chắc chắn là một bước tiến so với những game trước đó của Team Ninja, thì gameplay của Rise of the Ronin có thể nói là vừa thỏa mãn vừa thất vọng. Game mang đến khả năng khám phá thế giới mở cùng với hệ thống Bond, cung cấp nội dung mới mẻ và đa dạng. Tuy nhiên, khía cạnh đáng thất vọng lại nằm ở cơ chế chiến đấu; thật ra mà nói, nó không tệ chút nào, nhưng không thể sánh được với lối combat tuyệt vời của Nioh hay Ninja Gaiden.
Thế giới mở
Thế giới của Rise of the Ronin lấy bối cảnh ở Yokohama và 2 thành phố lớn khác của Nhật Bản, trải rộng 27 km2 không bao gồm vùng nông thôn, khiến nó lớn hơn Ghost of Tsushima. Bạn có thể khám phá thế giới bằng dù lượn, ngựa hoặc chạy bộ. Một số khu vực hơi trống trải và các NPC đi lại xung quanh có những cuộc trò chuyện đối thoại rất hạn chế. Nhưng đổi lại có một lượng lớn nhiệm vụ phụ mà bạn có thể dễ dàng bị cuốn vào. Ví dụ: tìm mèo, đánh bại một số kẻ địch đặc biệt để có ‘skill’ mới, khôi phục trật tự, chụp ảnh một số di tích lịch sử có thật của Nhật Bản, cũng như đánh bạc, bắn cung trên lưng ngựa và một số thử thách khác. Thậm chí, có thể bạn sẽ cảm giác mình đang chơi một Assassin's Creed bối cảnh Nhật Bản với tất cả những nhiệm vụ phụ mà Rise of the Ronin cung cấp.
Ngoài ra còn có một hệ thống truy nã trong game khi bạn móc túi và làm hại người dân, nhưng nó khá mờ nhạt. Nếu muốn thử khả năng chiến đấu, bạn cũng có thể đến các Dojo, nơi bạn thách đấu những nhân vật quen thuộc trong các trận đấu 1v1.
Và điều này dẫn chúng ta đến Bonds, một phần quan trọng của game. Về cơ bản, đây là mối quan hệ giữa bạn và nhân vật khác, khá giống hệ thống Confidant trong Persona 5. Bạn có các cấp độ quan hệ với các nhân vật từ Cấp 1 đến 4. Bạn có thể tăng mức độ thân mật của mình thông qua một số cách, như chọn các câu trả lời đúng khi trò chuyện hoặc tặng quà, hoặc làm Bond mission, các nhiệm vụ đặc biệt dành cho họ.
Bond mission giống như một phần cốt truyện nhân vật, nơi bạn giúp đỡ các nhân vật khác trong câu chuyện của họ. Một số nhiệm vụ tương đối bình thường, nhưng một số lại là điểm nhấn trong game, đặc biệt là những nhiệm vụ liên quan đến phe Chống Mạc phủ và Ryoma Sakamoto. Bạn cũng có được các Stance (Thế đánh) đặc biệt từ một số nhân vật, đóng vai trò quan trọng trong nguyên tắc cơ bản của chiến đấu.
Combat
Có 3 độ khó bạn có thể chọn khi bắt đầu game, do đó đây không phải là một game "siêu khó". Lối chiến đấu trong Rise of the Ronin có thể xem là nằm giữa Wo Long: Fallen Dynasty và loạt game Nioh. Những đòn cơ bản bao gồm đánh thường, đánh mạnh, phòng thủ và thanh Ki tượng trưng cho sức bền của bạn.
Cách tiếp cận chính để chiến đấu là phản đòn, tạo cơ hội gây ra sát thương và giảm thanh Ki của kẻ địch. Khi thanh đó cạn kiệt, bạn có thể tung ra một đòn chí mạng gây sát thương lớn. Nếu đã từng chơi Sekiro: Shadows Die Twice thì bạn sẽ thấy quen với cơ chế này.
Có 9 loại vũ khí khác nhau trong trò chơi, tất cả đều có Stance riêng, có thể dễ dàng hoán đổi khi đang chiến đấu. Mỗi Stance có tối đa 4 Martial Skill, là những khả năng đặc biệt gây sát thương Ki đáng kể cũng như khả năng đánh vào điểm yếu của vũ khí kẻ thù, điều này buộc bạn phải thay đổi Stance thường xuyên để phù hợp với từng kẻ thù nhất định.
Bản thân hệ thống này thoạt nhìn có vẻ rất hấp dẫn, nhưng quá trình thực tế lại không tốt cho lắm. Các kỹ năng Martial Skill hầu hết đều cảm thấy rất lạc lõng, vì kẻ thù thường không dễ dàng bị choáng trước đòn đánh của bạn. Tương tự, hệ thống phản đòn giống Sekiro nghe cũng tuyệt vời, nhưng đôi khi không phù hợp với nhịp độ chiến đấu. Phản đòn hụt trong chuỗi tấn công của kẻ thù sẽ khiến nhịp đánh của bạn mất đi và chiến đấu với nhiều kẻ địch cùng lúc càng khiến việc phản đòn trở nên khó khăn.
Trên thực tế, các trận chiến 1v1 trong Dojo là nơi phù hợp nhất để bạn sử dụng lối đánh phản đòn vì bạn có thể tập trung tìm hiểu đòn đánh của một kẻ địch duy nhất. Game cũng có lối chơi lén lút và có khả năng bạn sẽ thấy mình sử dụng lối chơi này khá nhiều vì khả năng kết liễu kẻ địch ngay lập tức, cũng như các loại vũ khí tầm xa có sức sát thương cao.
Một tính năng mới của chiến đấu là chuyển đổi nhân vật. Team Ninja đã thực hiện rất xuất sắc việc chuyển đổi nhân vật, mang đến cảm giác trôi chảy và tự nhiên. Bạn có thể khiến các con boss tấn công vào nhân vật AI nếu bạn đủ nhanh trong việc hoán đổi nhân vật, mang lại cho bạn rất nhiều cơ hội để tấn công.
Nếu bạn đang trong tình thế khó khăn khi bị mắc kẹt trước đám đông kẻ thù, bạn có thể chỉ cần hoán đổi nhân vật và để AI giải quyết tình huống khó chịu trong khi bạn làm tấn công bằng một nhân vật khác.
Về sự đa dạng của kẻ địch, game không có nhiều loại kẻ địch khi so sánh với Nioh. Trong Rise of the Ronin, tất cả đều là con người và thú vật. Nhưng như đã nói ở trên, có cảm giác như mỗi kẻ thù đều có một chiêu thức riêng, do đó bạn sẽ ít cảm thấy phải đánh đi đánh lại cùng một kẻ địch.
Rise of the Ronin có chế độ multiplayer, bạn sẽ thấy nhiều nhân vật do người chơi tạo ra thỉnh thoảng lang thang trên bản đồ. Co-op chỉ khả dụng trong các nhiệm vụ, nơi bạn có thể tạo sảnh và đợi ai đó tham gia.
Yếu tố RPG
Bạn nhận được 2 khe vũ khí cận chiến, 2 khe vũ khí tầm xa, 4 khe áo giáp và tối đa 4 khe phụ kiện. Mỗi vật phẩm trang bị mà bạn nhặt được đều có các chỉ số phụ như tăng sát thương chí mạng hoặc giảm mức tiêu thụ Ki và một số vật phẩm hiếm mang lại hiệu ứng đặc biệt.
Đối với độ khó thông thường, có lẽ bạn cũng không cần quá quan tâm đến nâng cấp vũ khí hoặc chuyển chỉ số, vì rất tốn kém và không tạo ra sự khác biệt lớn. Tuy nhiên, có một chế độ khi kết thúc game sẽ tăng độ khó của game và các nhiệm vụ đáng kể để đổi lấy những phần thưởng độc đáo, do đó nó sẽ phù hợp hơn để thực hiện các nâng cấp này.
Bạn có thể đổi vũ khí nhanh chóng trong khi đang chiến đấu
Bên cạnh trang bị còn có bảng kỹ năng và hệ thống chỉ số. Khi bạn đánh bại kẻ thù và hoàn thành nhiệm vụ, bạn sẽ nhận được XP giúp tăng cấp độ nhân vật, mang lại cho bạn điểm kỹ năng (Skill Point) và thêm HP, khả năng tấn công và phòng thủ.
Bạn cũng kiếm được Karma từ việc đánh bại kẻ thù, mang lại điểm kỹ năng khi nó đạt mức tối đa. Karma cũng là một điểm giống các game dòng Souls trong Rise of the Ronin; kẻ địch sẽ chiếm hết điểm này khi đánh bại bạn, bạn sẽ lấy lại được Karma nếu đánh bại được kẻ địch đó trong lần chơi tiếp theo, hoặc mất tất cả nếu tiếp tục thua.
Bảng kỹ năng trong game rất đa dạng, nếu bạn không thích các loại vũ khí hoặc phong cách chơi tầm xa, bạn có thể dùng điểm kỹ năng của mình cho thứ gì đó phù hợp hơn
Thiết kế, Hình ảnh và Âm thanh
Như bạn có thể thấy, Rise of the Ronin có đồ họa chưa mấy ấn tượng dù là một game độc quyền cho PS5. Một trong những lý do chính khiến các trò chơi thế giới mở trở nên thú vị là vì khung cảnh tuyệt vời mà bạn có thể thưởng thức chỉ bằng cách xoay camera xung quanh. Về mặt này, game đã bị Ghost of Tsushima hoàn toàn vượt mặt dù đó chỉ là một game ra mắt cho PS4.
Thành thật mà nói, chính bối cảnh thế giới mở Nhật Bản thời xưa chính là điều mà không ít người tìm kiếm ở Rise of the Ronin sau khi đắm chìm trong thế giới tuyệt vời của Ghost of Tsushima, nhưng nếu bạn mong đợi những điều tương tự như Ghost of Tsushima thì có lẽ Rise of the Ronin không đáp ứng được.
Đồ họa chưa phải là điểm ấn tượng của game
Nioh 2 ổn với đồ họa bình thường do phong cách tuyến tính của nó, nhưng trong trường hợp một trò chơi thế giới mở Nhật Bản, bạn muốn thấy thứ gì đó hoành tráng và đẹp đẽ nhưng Team Ninja không thể mang lại. Game ít có những khung cảnh khiến bạn phải dừng lại và ngắm nhìn, màu sắc khá nhạt và môi trường nhìn chung có màu xám, không rực rỡ. (Một mẹo để tăng cảm hứng là bạn có thể tăng độ bão hoà màu trên TV của mình, lúc này mọi thứ trông rực rỡ hơn)
Không chỉ có cảnh quan kém hơn đáng kể so với các game thế giới mở khác; hoạt ảnh khuôn mặt cũng cực kỳ cứng và bạn sẽ khó có thể nhìn thấy mắt nhân vật chuyển động trong khi trò chuyện. Các nhân vật dựa vào những chuyển động cứng nhắc của miệng và ngôn ngữ cơ thể để truyền tải cảm xúc.
Về mặt hiệu suất, những khu vực đông đúc trong thành phố khung hình có thể giảm từ trải nghiệm 60FPS mượt mà xuống khoảng 30-40 ngay cả khi ở cài đặt ưu tiên FPS. Tuy nhiên, trong chiến đấu và khám phá bên ngoài, đó là một trải nghiệm tổng thể mượt mà. Game cũng có tốc độ load nhanh, đó là một điểm cộng.
Về âm thanh, game có hiệu ứng tuyệt vời cho các đoạn cắt cảnh và chiến đấu cũng như nhạc nền hay. Phần lồng tiếng bằng tiếng Nhật thật tuyệt vời, với các chuyên gia nổi tiếng trong ngành như Koyasu Takehito lồng tiếng cho Kogoro Katsura, Yuichi Nakamura lồng tiếng cho Toshizo Hijikata, hay Hochu Otsuka trong vai Jules Brunet. Phần lồng tiếng tiếng Anh có chất lượng trồi sụt, một số nhân vật nghe rất hay và những nhân vật khác thì nghe hoàn toàn thất vọng.
Rise of the Ronin: Không chỉ là "một Ghost of Tsushima khác"
Rise of the Ronin là một ARPG thế giới mở tốt, cung cấp khoảng 60 giờ giải trí cho phần cốt truyện và một số nhiệm vụ phụ. Tuy bị ảnh hưởng bởi đồ họa không ấn tượng, nhưng dù sao cũng là một trải nghiệm rất thú vị nhờ cốt truyện, bối cảnh và lối chơi.
Team Ninja từng nói Ghost of Tsushima là một trong những tựa game mà họ dùng để tham khảo khi phát triển Rise of the Ronin. Cả hai có bối cảnh Nhật Bản thế giới mở, nhưng Rise of the Ronin còn có nét đặc trưng của các game khác mà dễ nhận thấy là Persona 5.
Kết hợp một thế giới mở Nhật Bản thời xưa với lối chơi "kết thân" nhân vật như Persona và cách chiến đấu hành động nhập vai vừa có chất của dòng Souls vừa mang các nét đặc trưng dễ nhận ra của những game Team Ninja, Rise of the Ronin tuy không phải là một game hoàn hảo, không mang đến những đột phá trong lối chơi, nhưng vẫn đủ để mang lại trải nghiệm thú vị cho bạn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng