Sáng còn đi làm, chiều đã thấy công ty phá sản: CEO mất tích, để lại khoản nợ 863 triệu USD, 800 nhân viên thất nghiệp, bị nợ lương
CEO của một công ty công nghệ tại Thượng Hải, Trung Quốc bỏ trốn để lại khoản nợ khổng lồ và hàng trăm nhân viên thất nghiệp. Mới đây, công ty này bị kiện vì chậm thanh toán cho đối tác nước ngoài.
- Dyson hãy coi chừng: đối thủ “nặng ký” của hãng sẽ là một công ty công nghệ tới từ Tô Châu, Trung Quốc
- Một công ty công nghệ lớn tiếp tục "cơn bão" sa thải, lên kế hoạch đầu tư để "chiến thắng trong lĩnh vực AI, đám mây và an ninh mạng"
- Cổ phiếu bảy công ty công nghệ lớn thế giới lao đao vì nỗi lo 'bong bóng' AI: Đầu tư nhiều, thu về quá ít?
- Cộng đồng mạng phản ứng dữ dội với một công ty công nghệ coi AI là nhân viên thực sự, được đào tạo, đánh giá… như con người
- Sa thải nhân viên dù còn nợ lương 3 tháng, công ty công nghệ bị xóa dữ liệu, ứng dụng bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Mới đây, Tòa án Nhân dân Thượng Hải đã triệu tập một loạt công ty công nghệ Trung Quốc, trong đó có công ty Jimo Galaxy Thượng Hải, về đơn khiếu nại của một doanh nghiệp nước ngoài về việc các công ty này chậm thanh toán trong giai đoạn từ tháng 4 năm 2024 đến tháng 6 năm 2024 và tháng 10 năm 2024. Đáng nói, Jimo Galaxy Thượng Hải đã xảy ra biến cố vào cuối tháng 5/2024, khi CEO mất tích và 800 nhân viên rơi vào cảnh thất nghiệp, bị nợ lương.
CEO mất tích, để lại giấy nợ
Trước ông Trần Quần, CEO Jimo Galaxy Thượng Hải mất tích, công ty này đã nợ lương của hơn 800 nhân viên trong 2 tháng.
Một nhân viên làm việc tại bộ phận vận hành sản phẩm Public Cloud của Jimo Technology cho biết, sự việc bắt đầu từ chiều ngày 27/5. "Sau khi ăn trưa, chúng tôi đang nghỉ ngơi thì thấy một số trưởng bộ phận họp hành với vẻ mặt rất căng thẳng. Sau cuộc họp, họ thông báo với nhân viên rằng nhà đầu tư của tập đoàn đã bỏ trốn, tập đoàn không còn tiền và không thể trả lương. Họ yêu cầu nhân viên không cần đi làm vào ngày hôm sau, có thể thu dọn đồ đạc ra về trong ngày và quay lại vào ngày 30/5 để nhận giấy thôi việc cùng giấy xác nhận nợ lương".
Ngày 29/5, phóng viên của DuteNews đã liên hệ với nhiều nhân viên của công ty này và được biết, toàn thể nhân viên đã nhận được thông báo "CEO bỏ trốn, công ty phá sản" vào ngày 27/5. Tình trạng nợ lương là sự thật và họ phải tiến hành thủ tục trọng tài lao động tập thể để bảo vệ quyền lợi.
Ngày 27/5, người đứng tên trình báo đã đến nhà riêng của ông Trần Quần để tìm kiếm nhưng không thấy, căn phòng trống trơn chỉ để lại một tờ giấy A4 có nội dung: "Trần Quần không có khả năng trả lại số tiền đầu tư tổng cộng 6,2 tỷ nhân dân tệ, cuối cùng chỉ có thể chọn cách trốn tránh".
Theo thông tin được biết, hiện tại ông Trần Quần đã nợ lương của hơn 800 nhân viên Jimo Future Park trong hai tháng.
Một nhân viên của Jimo Technology tiết lộ: "Sáng hôm đó, giám đốc nhân sự đã thông báo miệng rằng trong vài ngày tới sẽ gửi email cho toàn bộ nhân viên, giải thích về các vấn đề liên quan đến lương, bồi thường, quỹ dự phòng... Hiện chúng tôi vẫn đang chờ thông báo".
Công ty đã tiến hành hai đợt sa thải vào cuối tháng 12/2023 và tháng 2/2024, với mức bồi thường "n+1" theo quy định. Lương tháng 3 bị hoãn đến cuối tháng 4 mới được chi trả, còn lương từ tháng 4 đến thời điểm ông ta biến mất vẫn chưa được thanh toán.
Một thông báo được dán tại khu công nghệ ghi rõ: "Do công ty đang trong quá trình xử lý một số vấn đề, đề nghị tất cả nhân viên không vào khu vực công ty nếu không cần thiết". Thông báo này được ký vào ngày 28/5. Nhân viên này cũng cho biết, logo của tòa nhà trong khu công nghệ đã bị tháo dỡ vào ngày 29/5.
Đáng chú ý, người đứng tên trong biên bản tiếp nhận trình báo là Lưu Đào, được cho là đồng sáng lập của Jimo Technology, gián tiếp nắm giữ cổ phần của công ty. Một nhân viên nội bộ xác nhận với phóng viên rằng Lưu Đào là Phó Tổng Giám đốc Điều hành của công ty. Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với Lưu Đào nhưng không nhận được phản hồi.
Nhiều người thắc mắc Jimo Technology hoạt động trong lĩnh vực nào. Dữ liệu từ Tianyancha cho thấy, Jimo Technology được thành lập vào tháng 2/2023, có trụ sở tại quận Bảo Sơn, Thượng Hải, với vốn đăng ký là 78,61 triệu nhân dân tệ và hiện vẫn đang hoạt động.
Theo các bài báo trước đó, trong năm 2023, Jimo Technology đã đầu tư vào 12 lĩnh vực khác nhau, bao gồm metaverse, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, AIGC, công nghệ tài chính, điện toán bảo mật, internet vạn vật, y tế và thú cưng, nhân lực kỹ thuật số, blockchain,... với tổng số tiền đầu tư từ 400 triệu đến 500 triệu nhân dân tệ. Lạc Nghị, Giám đốc Tiếp thị của Jimo Technology, từng phát biểu với truyền thông rằng trong 5 năm tới, công ty sẽ đầu tư 3 tỷ nhân dân tệ vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến.
Jimo Technology tự giới thiệu là một tập đoàn công nghệ đa ngành, sở hữu hơn mười công ty con và công ty cổ phần, hoạt động tại hơn 40 thành phố ở Trung Quốc và trên toàn thế giới, với hơn 1.000 nhân viên, trong đó có hơn 800 nhân viên nghiên cứu và phát triển.
Phóng viên DuteNews đã phỏng vấn nhiều nhân viên của Jimo Technology và được biết, có nhân viên làm việc trong lĩnh vực hướng dẫn du lịch AR tại các khu du lịch, có nhân viên phát triển kịch bản, và cũng có nhân viên phụ trách vận hành trung tâm mèo hoang và mảng thú cưng trên internet. Chỉ 3 ngày trước khi công ty tuyên bố ngừng hoạt động, tài khoản Weibo chính thức "Jimo People" của công ty vẫn đăng bài về chương trình đào tạo dành cho nhân viên mới.
Một nhân viên lâu năm của Jimo Technology cho biết: "Công ty hiện tại được sáp nhập từ một số công ty, trước đây có tên là Wanglian Technology, thành lập từ năm 2016. Năm ngoái, công ty đổi tên và tái cấu trúc thành Jimo Technology, chuyển đến Jimo Future Park". Nhân viên này giải thích, công ty có thể được coi như một vườn ươm khởi nghiệp: "Bất cứ ai có ý tưởng hay, kế hoạch khởi nghiệp, nói với CEO, ông ấy có thể sẽ đầu tư, vì vậy công ty có rất nhiều mảng kinh doanh".
Phóng viên phát hiện ra rằng trước khi bước chân vào lĩnh vực công nghệ, CEO Trần Quần từng hoạt động trong lĩnh vực thông tin tài chính và quản lý đầu tư. Ông được biết đến nhiều hơn với tư cách là người sáng lập Zhongzi Lian. Dữ liệu từ Tianyancha cho thấy, Trần Quần là người đại diện pháp luật của 22 công ty, trong đó 18 công ty liên quan đến Zhongzi Lian và đầu tư tài chính đã bị thu hồi giấy phép.
Hơn mười công ty tài chính do CEO Trần Quần làm đại diện pháp luật đã bị thu hồi giấy phép.
Theo các bài báo công khai, năm 2011, các nền tảng cho vay trực tuyến tại Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng, với một loạt nền tảng lần lượt ra mắt, tiêu biểu là Zhongzi Lian. Tháng 1/2015, Trần Quần, người sáng lập Zhongzi Lian, được trao tặng danh hiệu "Thành viên danh dự của Hiệp hội Thúc đẩy Kinh tế và Kỹ thuật Quốc tế Trung Quốc", được bổ nhiệm làm "Viện trưởng danh dự của Viện Nghiên cứu Phát triển Ngành thuộc Viện Khoa học Quản lý Trung Quốc", và cũng nhận được các giải thưởng như "Mười nhân vật chính trực trong ngành tài chính Internet", "Nhân vật kinh tế Trung Quốc năm 2014".
Theo Southern Metropolis Daily, các nhân viên được phỏng vấn cho biết: "Có người nói ông ấy đã bị bắt, có người nói ông ấy đã bỏ trốn sang Singapore, cũng có người nói ông ấy không bỏ trốn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa biết thông tin chính xác", một nhân viên chia sẻ.
Theo Southern Metropolis Daily, nhân viên được phỏng vấn cho biết, họ cũng từng nghi ngờ liệu công ty có đầu tư quá dàn trải hay không. "Ban đầu, chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực tài chính, có liên quan đến một số hoạt động P2P. Sau đó, chúng tôi dần chuyển đổi và lĩnh vực tài chính không còn là trọng tâm nữa. Chúng tôi bắt đầu phát triển mảng công nghệ, bao gồm điện toán đám mây, metaverse, AI, v.v. Sau đó, chúng tôi lại có thêm mảng thú cưng. Tại Thượng Hải, chúng tôi có một bộ phận thú cưng và đã nhận nuôi hơn 800 con mèo. Ban đầu, chúng tôi cũng thắc mắc tại sao công ty lại làm nhiều thứ như vậy, trong khi nhiều mảng kinh doanh đang trong giai đoạn khởi nghiệp hầu như không có lãi. Kết quả là, tại buổi tiệc tất niên, ban lãnh đạo nói với chúng tôi rằng họ muốn ươm mầm các dự án và hy vọng chúng tôi sẽ đóng góp ý tưởng sáng tạo để hỗ trợ quá trình này. Họ cho rằng nếu trong số mười dự án có ít nhất hai dự án thành công thì công ty sẽ có lãi và lợi nhuận này sẽ đủ để nuôi tám dự án còn lại".
Hiện tại, Jimo Technology vẫn sở hữu nhiều dự án cốt lõi như Shengyang Wuyue, Jimu Yougong, Jimo Pool Guardian, Xunta Technology, Xinsaiyun, Xincheng, Guangxi Xingkongyun, Tesai, Tingwang Technology, Tewang Jinke, và Wanglian Technology. Jimo Technology cũng đã đầu tư vào Xunta Technology (Thượng Hải). Công ty này đã thành lập cơ sở tiếp nhận và nhận nuôi mèo hoang Animal Oasis Fengxian vào cuối năm ngoái. Tính đến cuối năm ngoái, cơ sở này đã tiếp nhận hơn 1.000 con mèo hoang. Ngày 28/5, cơ sở tiếp nhận đã đăng thông báo trên các kênh chính thức của mình cho biết, do ông chủ Chen Qun của Jimo Galaxy, nhà đầu tư của cơ sở, đã mất liên lạc nên cơ sở này đang gặp vấn đề nghiêm trọng về tài chính và hoạt động cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Họ đang tìm cách để vượt qua khó khăn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng