Chất lượng hình ảnh quá tốt của Avatar The Way of Water đang khiến cho một số người xem gặp phải tình trạng say tàu xe thị giác.
- Công nghệ đã thổi hồn cho các nhân vật trong Avatar 2 như thế nào?
- Những câu hỏi chưa có lời giải mà Avatar 2 để lại
- Phiên bản hoàn chỉnh của 'Avatar 3' sẽ có thời lượng 9 tiếng
- Thế giới cần Avatar hơn phim siêu anh hùng Marvel
- Những khác biệt thú vị giữa hai tộc người Na’vi trong Avatar: The Way of Water
Avatar: The Way of Water đã chiêu đãi khán giả toàn cầu một bữa tiệc thị giác thịnh soạn kéo dài suốt hơn 180 phút, với phần hình ảnh được chăm chút đến từng chi tiết dưới bàn tay ma thuật của đạo diễn James Cameron. Đây cũng chính là một trong những yếu tố giúp cho bộ phim này liên tục tạo ra hiệu ứng cực kỳ bùng nổ và nhanh chóng bỏ túi 1,5 tỷ USD chỉ sau khoảng 3 tuần ra mắt.
Được biết, Cameron cùng đội ngũ sản xuất đã tiến hành ghi hình bằng rất nhiều công nghệ tiên tiến khác nhau. Trong đó, nổi bật nhất chính Performance Capture (tạm dịch: Ghi hình diễn xuất), phương pháp có thể ghi lại toàn bộ cử động gương mặt dù là nhỏ nhất của các diễn viên để “đắp” vào các nhân vật kỹ xảo trên màn ảnh lớn. Ngoài ra, các phân cảnh dưới nước đều được ghi hình trong một bể nước lớn thực tế để mang lại độ chân thật cao nhất có thể cho Avatar: The Way of Water.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tận hưởng bữa tiệc đó một cách mãn nhãn và an toàn nhất. Theo chia sẻ của cây viết Dais Johnston, thuộc chuyên trang Inverse, kiệt tác mới nhất của James Cameron, dù rất hấp dẫn, nhưng lại khiến cô cảm thấy chóng mặt, nôn nao, giống như cảm giác bị say xe vậy. Hóa ra, Johnston không phải người duy nhất gặp phải tình trạng này sau khi thưởng thức Avatar: The Way of Water, đặc biệt là ở định dạng 3D hay IMAX.
Avatar: The Way of Water và chứng say xe thị giác
Tại sao chỉ ngồi yên một chỗ để xem phim, không hề di chuyển hay lắc lư, cũng có thể gây ra tình trạng hoa mày chóng mặt như vậy? Theo lý giải của tiến sĩ Bill Yates, hiện đang là giảng viên khoa Tai mũi họng tại Đại học Pittsburgh, chứng say tàu xe bắt nguồn từ những mâu thuẫn, xung đột giữa các cơ quan tiếp nhận chuyển động của cơ thể con người.
Chia sẻ với Inverse, Yates cho biết: “Các thụ quan của hệ thống tiền đình ở trong tai có khả năng cảm nhận chuyển động của phần đầu, và thị giác cũng có thể gửi tín hiệu về chuyện động đến não bộ. Những bộ phim có độ phân giải cao với nhiều cảnh hành động, đặc biệt là khi được chiếu trên màn hình lớn, có thể cung cấp những tín hiệu hình ảnh vô cùng sống động, đánh lừa não bộ rằng người xem đang thực sự chuyển động (cùng các nhân vật trong phim), trong khi tai lại báo cho não rằng họ đang đứng yên”.
Nói một cách đơn giản, tình trạng say tàu xe khi xem Avatar: The Way of Water xảy ra bởi những mâu thuẫn trong cách nhận biết chuyển động giữa tai và mắt của người xem. Trong khi đôi tai xác định cơ thể của họ đang ngồi yên, thì cặp mắt lại khiến bộ não cảm thấy như thể họ đang nhào lộn khắp mọi nơi tại vùng đất Pandora xinh đẹp. Dần dần, sự xung đột này sẽ khiến một số người cảm thấy nôn nao và cực kỳ khó chịu.
Tuy nhiên, không phải ai dễ say tàu xe cũng cảm thấy chóng mặt khi xem Avatar: The Way of Water hay một số bộ phim khác. Theo Behrang Keshavarz, nhà tâm lý học và nhà khoa học nhận thức tại trung tâm nghiên cứu KITE, cho biết những gì mà Johnston trải qua được gọi là chứng say tàu xe do thị giác (hay gọi tắt là VIMS).
Về bản chất, VIMS là một dạng say xe khi chúng ta không tạo ra bất kỳ chuyển động vật lý nào, ví dụ như khi chơi điện tử hay sử dụng trình mô phỏng lái máy bay chẳng hạn. Đó cũng là lý do vì sao có không ít người không thể sử dụng kính thực tế ảo quá 10 phút, hay không thể xem phim trên màn hình quá lớn. Keshavarz gọi hiện tượng này là “say xe điện ảnh”.
Trên thực tế, bộ phim Avatar đầu tiên, ra mắt vào năm 2009, cũng từng khiến không ít khán giả cảm thấy chóng mặt, đặc biệt là ở định dạng 3D. Một năm sau đó, tờ The New York Times đã đăng tải một bài viết để phản ánh về tình trạng này, đồng thời đưa ra những nghiên cứu cho thấy hình ảnh 3D có thể gây ra tình trạng đau đầu và buồn nôn ở người xem. 13 năm sau, với những phát triển vượt bậc về công nghệ quay phim và kỹ xảo, thế nhưng dường như hiện tượng tương tự vẫn tiếp tục lặp lại trong Avatar: The Way of Water.
Bên cạnh đó, Keshavarz còn cho biết chứng say xe do thị giác có thể xảy ra với bất kỳ định dạng nào của bộ phim, cho dù là với hình ảnh 3D hay 2D đi chăng nữa. “VIMS bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khác nhau”, ông cho biết. “Nhưng chắc chắn là những bộ phim 2D cũng có thể gây ra tình trạng này. Trên thực tế, tôi thường sử dụng phim 2D để thử nghiệm VIMS trong các thí nghiệm của mình”.
Hóa ra không phải lúc nào tốc độ khung hình cao cũng là tốt
Bên cạnh VIMS, tốc độ khung hình quá cao cũng là nguyên khiến cho Johnston cũng như một số khán giả cảm thấy xây xẩm mặt mày khi theo dõi Avatar: The Way of Water. Đạo diễn Cameron từng chia sẻ rằng một số phân cảnh trong bộ phim này sẽ được chiếu ở tốc độ 48 khung hình/giây thay vì 24 khung hình/giây như thông thường. Về mặt logic, với tốc độ khung hình như vậy, hình ảnh sẽ trở nên sống động, chân thật hơn, mượt mà và dễ nhìn hơn, chứ không thể gây ra tình trạng mỏi mắt hay đau đầu.
Tuy nhiên, với những người dễ bị say xe, dễ gặp phải tình trạng VIMS, thì tốc độ khung hình cao lại gây ra phản ứng ngược lại hoàn toàn. Avatar: The Way of Water được ca ngợi vì độ chân thật và sống động, khiến cho người xem như hòa nhập vào môi trường hùng vĩ bên trong phim. Thế nhưng, Johnston cho biết đến khoảng 1/3 thời lượng cuối phim, cô chỉ ước mình có thể ngồi cách xa màn hình một chút, có thể phóng tầm mắt ra xa một chút để xua tan cảm giác chóng mặt, mệt mỏi.
Hình ảnh quá sống động bởi tốc độ khung hình cao có thể khiến cho mắt gửi đến não bộ những tín hiệu chuyển động mạnh mẽ hơn, trong khi đôi tai vẫn một mực khẳng định người xem đang không hề di chuyển. Lúc này, mâu thuẫn giữa 2 giác quan lại càng trở nên trầm trọng hơn và rất dễ dẫn đến tình trạng say xe, hoặc khiến cho tình trạng đó trở nên nghiêm trọng hơn.
Nói một cách dễ hiểu, hình ảnh quá sắc nét, quá chân thật nhờ tốc độ khung hình cao càng dễ đánh lừa não bộ và khiến người xem lầm tưởng bản thân đang trực tiếp hóa thân vào nhân vật và trải nghiệm toàn bộ những gì diễn ra trên màn ảnh lớn.
Dĩ nhiên, không phải ai cũng gặp phải hiện tượng này khi theo dõi Avatar: The Way of Waters hay các bộ phim 3D khác trên màn ảnh lớn. Như Keshavarz đã chia sẻ, VIMS bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó bao gồm cả kích thước màn hình, khoảng cách giữa màn chiếu và người xem, cũng như trạng thái thể chất của mỗi người.
Chứng say xe thị giác, cũng giống như những cơn đau đầu do 3D gây ra vào hơn 1 thập kỷ trước, là hệ quả tất yếu khi công nghệ làm phim ngày càng trở nên tiên tiến, hiện đại, giúp cho các tác phẩm điện ảnh trở nên chân thật và sống động hơn. Mặc dù nó có thể khiến nhiều người cảm thấy chóng mặt, khó chịu, đặc biệt là với những bộ phim có thời lượng quá dài, nhưng đây chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy sự tiến bộ ngày càng vượt bậc của lĩnh vực điện ảnh thế giới.
Nguồn: Inverse, 20th Century Studios
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng