Vsmart: Điểm khác biệt cốt lõi có thể giúp smartphone Việt lật ngược thế cờ trước smartphone Trung Quốc sau nhiều năm thất thế
Phát triển đồng thời smartphone giá rẻ cùng mảng viễn thông, Vsmart thừa hiểu mình sẽ có cơ hội lớn như thế nào nếu đạt được cả 2 mục tiêu này cùng lúc.
- Không phải các hãng điện thoại, đây mới là khách hàng tiềm năng cho nhà máy smartphone khổng lồ của Vsmart?
- Chê Vsmart biến thành "kẻ gia công cho người khác"? Vậy trước Huawei và Xiaomi, Trung Quốc đóng vai trò gì trên bản đồ thế giới?
- Vsmart nhận gia công cho các hãng khác, nhưng sẽ là hãng nào? Xiaomi, Google, Samsung hay chính là Apple?
Có lẽ sẽ là không quá khi nói rằng smartphone tại Việt Nam là sân chơi của các nhà sản xuất Trung Quốc. Dựa theo số liệu thống kê của GfK vào cuối tháng 7, trong số 3 thương hiệu lớn nhất tại mảnh đất hình chữ S: thì có đến 2 thương hiệu đến từ Trung Quốc (OPPO và Xiaomi). Trong cùng một khoảng thời gian, 2 thương hiệu Trung Quốc này cũng chiếm một nửa trong số top 10 smartphone bán chạy.
Mặc dù thị trường Việt Nam vẫn rất yêu chuộng Samsung, rõ ràng smartphone Trung Quốc vẫn có sức hút đặc biệt trên phân khúc giá rẻ. Tốc độ tăng trưởng của Xiaomi là minh chứng điển hình: mới chân ướt chân ráo đặt chân vào Việt Nam năm 2017, đến quý 3 vừa qua thị phần tại Việt Nam của Xiaomi đã gấp đôi một tên tuổi rất được ưa chuộng nhưng lại có giá thành đắt đỏ là Apple. Ấn tượng hơn nữa là Realme: chỉ hơn 1 năm tuổi đời và cũng mới chỉ đặt chân đến mảnh đất hình chữ S: vào đầu năm, đến giờ Realme đã lọt vào top 5.
Sự bành trướng của các thương hiệu Trung Quốc giá rẻ có thể giải thích một cách rất dễ hiểu. Là một quốc gia đang phát triển, người Việt Nam nói chung không quá dư dả tài chính để mua điện thoại. Mặt khác, Việt Nam cũng có dân số khá trẻ, am hiểu về công nghệ. Điều này tạo ra một bài toán khá khó cho các thương hiệu smartphone Việt: muốn cạnh tranh sòng phẳng với Trung Quốc, hướng đi duy nhất chỉ có thể là phá giá cấu hình.
Nhưng dĩ nhiên là sản xuất điện thoại cấu hình cao giá rẻ không dễ đến vậy. Thử lấy Xiaomi làm ví dụ: 18 tháng sau khi "lên sàn" tại Hong Kong, các con số tài chính của Xiaomi vẫn bết bát tới mức nhà sáng lập Lei Jun phải từ bỏ vị trí chủ tịch vào ngày thứ hai vừa qua. Cùng lúc, kết quả kinh doanh của hãng này vẫn khá tốt khi lượng smartphone xuất xưởng của hãng đứng thứ 4 toàn cầu trong quý 3. Rõ ràng là trong cuộc chiến smartphone phá giá cấu hình, chiến thắng sẽ vừa là trái đắng lẫn trái ngọt.
Bphone cũng là minh chứng cho thấy phá giá cấu hình khó khăn đến thế nào. Suốt 4 năm và 3 thế hệ sản phẩm vừa qua, Bphone đã luôn bị phàn nàn có mức giá quá cao so với cấu hình và đôi khi là "không phù hợp với thực tế của người Việt". Tuy vậy, trong thực tế, một nhà sản xuất ở vị thế của Bphone khó lòng có thể chạy đua giá với người Trung Quốc hay với Samsung. Số liệu duy nhất được BKAV công bố cho thấy Bphone 3 bán được 10.000 máy trong vòng một quý đầu tiên, trong khi con số này với Samsung hay OPPO sẽ luôn là là hàng chục triệu máy.
Tính trên đơn vị từng module chip RAM hay từng tấm màn LCD, chắc chắn Bphone sẽ phải trả giá cao hơn các đối thủ có quy mô lớn. Hoặc, khi thuê Meiko Electronics lắp ráp Bphone 3, chi phí trên từng đơn vị mà BKAV phải trả cũng sẽ cao hơn các khách hàng khác của Meiko như Apple và Samsung. Thử thách đối với các thương hiệu mới luôn mang tính "con gà – quả trứng" như vậy, quy mô chưa cao thì chi phí (trên từng đơn vị sẽ cao), nhưng muốn mở rộng quy mô thì trước hết phải hạ giá sản phẩm đã.
Thực tế, từ trước đến nay mới chỉ có Xiaomi là thực sự phá vỡ được thế "Con gà – Quả trứng" theo cách không mấy ai theo: lấy khẩu hiệu là công ty Internet, Xiaomi phá giá cấu hình và rồi thuyết phục các nhà đầu tư rằng doanh số có thể đến từ các ứng dụng, dịch vụ đi kèm điện thoại. Kết hợp nhiều chiêu trò thông minh như flash sale, thiết kế cố tình học hỏi Apple theo kiểu gây sốc và dĩ nhiên là cả phá giá cấu hình, Xiaomi nhanh chóng thúc đẩy doanh số - quy mô sản xuất lên mức top 5 thế giới.
Đáng tiếc rằng, như chúng ta đã bàn tới, chiến lược kinh doanh này không thể kéo dài mãi mãi. Từ khi lên sàn và chịu sự quan sát của toàn bộ thị trường, cổ phiếu Xiaomi đã suy giảm. Không mấy nhà đầu tư tin rằng smartphone giá rẻ lại có thể là bàn đạp cho các dịch vụ khác cả.
Vsmart khác với Xiaomi ở điểm nào? Rất dễ thấy, trong khi Xiaomi phá vỡ thế "con gà – quả trứng" bằng cách vẽ ra một viễn cảnh không thực tế, Vsmart dùng... tiền. Nhắc đến VinGroup đã luôn là nhắc đến tập đoàn giàu có nhất Việt Nam, với hàng trăm trung tâm mua sắm, khu chung cư, khu biệt thự hay nghỉ dưỡng cao cấp. Việc VinGroup mới thành lập công ty công nghệ được 2 năm mà đã kịp xây dựng nhà máy quy mô hàng chục triệu smartphone/năm không làm ai bất ngờ cả. Tiềm lực khổng lồ đã giúp Vsmart có được quy mô mà chưa cần có doanh số.
Tiếp đến, Vsmart cũng rất may mắn (hay đúng hơn là thức thời?) khi xây dựng nhà máy quy mô vào thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dâng cao. Mặc dù cuộc chiến thương mại có thể nguội đi bất cứ lúc nào, ngay bây giờ các thương hiệu Mỹ đều đã nhận ra rằng họ không thể phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng Trung Quốc như trước đây. Việt Nam nổi lên với vai trò là địa điểm thay thế, và nếu Vsmart trở thành một ODM (nhà sản xuất gia công) tầm cỡ quốc tế, họ cũng sẽ giải quyết được đáng kể bài toán chi phí sản xuất. Những chiếc điện thoại chính hiệu Vsmart vì thế cũng được hưởng lợi lây; những mức giá sốc như Vsmart Live hoàn toàn có thể lặp lại.
Trên tất cả, có một câu hỏi mà nếu trả lời được, bạn sẽ ngay lập tức thấy vì sao Vsmart có thể giành lại thị trường smartphone giá rẻ vào tay người Việt. Đó là: smartphone giá rẻ để làm gì? Thực chất, từ trước đến nay, sản xuất hàng giá rẻ là việc rất không nên với các nhà sản xuất. Tuy hấp dẫn với người tiêu dùng, hàng giá rẻ có lợi nhuận rất thấp và không hàm chứa nhiều ý nghĩa với tương lai của nhà sản xuất. Như trường hợp của Xiaomi và Apple chẳng hạn. Xiaomi bán hàng giá rẻ nên người dùng chủ yếu cũng hạn hẹp kinh phí, khó có thể phát triển doanh thu Internet như những gì Lei Jun đề ra. Còn Apple vì chỉ bán hàng xa xỉ nên thống trị lợi nhuận của cả ngành sản xuất smartphone (cao gấp 3 lần Samsung), cùng lúc lại phát triển mạnh doanh số phụ kiện cùng dịch vụ khi iPhone bão hòa.
Nhưng Vsmart thì khác. Không giống như Apple, Vsmart không cần smartphone để tạo ra lợi nhuận. Không giống như Xiaomi, Vsmart không dùng smartphone để làm "mồi" tạo ra lợi nhuận cho mảng công nghệ khác. Những gì VinGroup đang thể hiện cho thấy VinGroup muốn phủ rộng Vsmart ra khắp đất nước Việt Nam – có lẽ là để tạo kho dữ liệu, để tạo ra một nền tảng số phục vụ cho các dịch vụ khác. Một khu VinHomes thực sự "hiểu" người dùng để thực hiện bảo trì tự động, những khô đô thị với xe tự lái và hệ thống giao thông thông minh, những dịch vụ nghỉ dưỡng hay hàng không phục vụ tốt hơn cho người dùng... là những gì mà Vsmart giá rẻ có thể mang tới.
Quan trọng hơn, smartphone giá rẻ là bàn đạp không thể tốt hơn cho tham vọng mạng viễn thông đang trong trứng nước của Vingroup. Phó chủ tịch Qualcomm mới đây đã khẳng định đang cùng Vingroup phát triển mạng 5G, thương mại hóa trước cả các nước châu Âu. Bán Vsmart giá rẻ kèm gói cước 5G ưu đãi là điều mà các hãng smartphone Trung Quốc khác có mơ cũng không thể làm được, nhất là trong bối cảnh Huawei - người Trung Quốc duy nhất vừa có smartphone vừa có mảng viễn thông - không còn "cửa" vươn ra thị trường nước ngoài như hiện tại.
Và quan trọng hơn, Vsmart cũng không dùng công nghệ để tìm kiếm lợi nhuận ngay lúc này. Qua thương vụ bán toàn bộ chuỗi VinMart và VinMart cho Masan, qua 3 dự án dự kiến đem về 11 tỷ USD trong 10 năm tới, và dĩ nhiên là qua cả doanh thu quý 3 tăng trưởng tới 35% (2544 tỷ đồng). Và chính khởi điểm ấy cũng có thể được tận dụng để lật ngược thế cờ cho smartphone Việt sau nhiều năm thất thế.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng