Ý kiến cá nhân: Canon không nên chạy theo xu hướng máy ảnh không gương lật
Cuộc cách mạng máy ảnh không gương lật được tạo ra bởi Sony có lẽ không có chỗ trống cho Canon.
Bài viết là ý kiến cá nhân của Usman Dawood, nhiếp ảnh gia kiến trúc tại Sonder Creative đăng tải tại Petapixel.
Theo như những bài trưng cầu tôi lập ra trong thời gian gần đây, có vẻ số đông người dùng cho rằng Canon đã đúng đắn khi ra mắt hệ thống máy ảnh không gương lật EOS R mới của họ. Nhưng theo ý kiến cá nhân của tôi thì đây là một quyết định sai lầm, và đáng ra họ phải tiếp tục phát triển các dòng máy DSLR truyền thống của mình.
Canon EOS R
Những lợi ích của việc thay đổi ngàm mới của Canon là không lớn, hơn nữa việc sử dụng thân máy nhỏ hơn cũng ngăn cản việc thêm các tính năng mà người dùng cần. Đây cũng là lý do tại sao máy ảnh không gương lật của Sony càng ngày càng lớn hơn, không còn nhỏ trong lòng bàn tay như trước nữa. Những chiếc máy nhỏ không thể có khả năng tản nhiệt tốt, ảnh hưởng lớn nhất đến khả năng quay phim.
Tất cả những tính năng mà các hãng khác có trên máy ảnh không gương lật của họ, Canon cũng có thể thêm vào các dòng máy DSLR mà không cần phải phát triển cả một loại ngàm mới. Ưu điểm lớn nhất của việc phát triển máy ảnh không gương lật là đem tới người dùng ống ngắm điện tử (EVF), nhưng có vẻ như cộng đồng chụp ảnh đã cảm thấy hài lòng với loại ống ngắm quang học truyền thống.
Theo một vài người thì việc thay đổi thiết kế ngàm để giảm khoảng cách buồng tối (flange distance) sẽ đem lại nhiều lợi ích, nhưng tôi lại cho rằng đây là một ý tưởng tồi nếu nhìn theo hướng kinh tế. Canon sẽ phải bỏ một số tiền lớn để phát triển các ống kính hoàn toàn mới, và phải bán chúng với mức giá cao để hoàn lại số tiền đó. Thị trường máy ảnh chuyên nghiệp hiện nay đang dần thu nhỏ, càng làm quyết định của Canon trở nên khó hiểu!
Sony đang chiến thắng trong cuộc đua không gương lật
Sony hiện là hãng sản xuất máy ảnh không gương lật Full-frame lớn nhất Thế giới và cũng là người đi tiên phong dẫn đường trong mảng sản phẩm này. Nhưng điều thú vị là Sony làm được điều này mà không cần mắt các ống kính đắt tiền ngay từ đầu giống như Canon.
Điểm làm Sony lọt vào mắt xanh của người dùng đó là những tính năng mới mẻ mà hãng đưa vào thân máy, điều mà Canon đang tụt lại phía sau. Sony sẵn sàng 'nhét' cả những tính năng mà khả năng xử lý của máy còn chưa đáp ứng được một cách hoàn toàn!
Sony A7Rii
Chiếc Sony a7R II là một ví dụ điển hình, khi nó có khả năng chụp hình chất lượng cao, quay phim 4K, chống rung trong thân máy. Tất nhiên rồi, máy đôi khi gặp vấn đề quá nhiệt do thiết kế chưa hoàn thiện, nhưng cũng đủ thuyết phục để nhiều người dùng Canon lâu năm chuyển sang dùng máy ảnh không gương lật.
Một số nhiếp ảnh gia trung thành thì vẫn ở lại với Canon, nhưng cuối cùng lại thất vọng vì chiếc 5D Mark IV - mặc dù là một chiếc máy tốt nhưng không có những tính năng đã có ở những dòng máy của Sony. Nhiều người cho rằng Canon cố tình giữ lại những tính năng quay phim để bảo vệ các dòng máy quay phim Cine cao cấp của mình, một việc làm rất nguy hiểm trong thời điểm hiện nay.
Khoảng cách buồng tối (flange distance) ngắn không quan trọng với Canon
Một điều rất chắc chắn: khoảng cách buồng tối (khoảng cách giữa hệ thống thấu kính và cảm biến) ngắn có một số lợi ích nhất định, trong đó là việc dễ dàng thiết kế các ống kính đặc biệt hơn. Ví dụ như ống kính Canon RF 28-70mm f/2 chẳng hạn, là ống kính zoom lấy nét tự động đầu tiên trên Thế giới có khẩu độ f/2. Thế nhưng liệu có mấy ai cần tới ống kính này?
Ống kính Canon RF 28-70mm f/2 trị giá 3.000 USD
Đừng hiểu nhầm ý tôi, đây chắc chắn là một trong những ống kính zoom tốt nhất hiện nay, nhưng không phải là lý do để người dùng đã chuyển sang Sony sẽ quay trở lại với Canon. Lại một lần nữa tôi phải nhắc lại: vấn đề mà Canon gặp phải hiện nay không phải là về hệ thống ống kính, mà là những tính năng mà hãng đã không trang bị cho thân máy của mình.
Nếu Canon đã nghe lời khách hàng thì tốt biết mấy!
Hãy thử tưởng tượng rằng Canon nghe lời khách hàng, và áp dụng khả năng quay phim 4K tốt hơn vào các dòng máy DSLR của mình thì tốt biết mấy. Tính đến thời điểm hiện nay, chưa có bất cứ dòng máy nào của hãng có khả năng quay 4K trên toàn bộ cảm biến Full-frame, tất cả chúng đều có hệ số nhân (crop) nhất định.
Nếu như chiếc 5D Mark IV có dải biến động sáng tốt hơn, chất lượng quay tốt hơn hay trang bị thêm một số tính năng như hỗ trợ lấy nét peaking, zebra,...thì có lẽ một lượng lớn người dùng đã không chuyển sang các hãng khác. Thay vào đó, Canon chậm phát triển công nghệ mới, rồi đến khi Sony tấn công mạnh mẽ thì hãng mới cố gắng chạy theo.
Và nếu như hãng có một thời gian dài hơn để phát triển các dòng máy ảnh không gương lật EOS R, thì chúng chắc chắn cũng sẽ trở thành các dòng máy ảnh tốt hơn những gì ta có hiện nay. Mặc dù nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật, nhưng khi chọn mua máy ảnh thì nhiếp ảnh gia lại nhắc tới thông số kỹ thuật nhiều hơn - một thứ mà Canon đã không đem tới cho người dùng.
Lời kết
Canon hiện nay có tới 2 ngàm ống kính cho máy ảnh Full-frame, đặt hãng vào một vị trí rất khó xử. Ta có ngàm EF đã được phát triển từ rất lâu, với lượng người dùng rất lớn, và một ngàm RF dành cho máy ảnh không gương lật đến giờ mới phát triển, nên hãng sẽ phải tốn rất nhiều tiền trong tương lai mà hiện giờ chưa có nhiều khách hàng.
Ngàm Canon EF (trái) và Canon RF (phải)
Những chiếc máy ảnh không gương lật mới của Canon quả thực không tốt khi so với các hãng khác, đồng nghĩa với việc hãng cũng không thể bán được những ống kính thế hệ mới. Đáng ra Canon phải tiếp tục hoàn thiện những gì hãng đã làm với dòng sản phẩm 5D huyền thoại.
Mọi người chuyển qua máy ảnh không gương lật không phải vì muốn có một chiếc máy ảnh...không có gương lật, họ chuyển vì muốn có những tính năng mới. Canon hoàn toàn có thể giữ chân được họ bằng cách thêm chúng vào những chiếc máy DSLR đã phát triển và được hỗ trợ trong hàng thập kỷ qua.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng