Dùng 1 từ chỉ ra sự khác biệt giữa con người và máy móc: Nếu bạn trả lời "tình yêu" thì sai bét
Bên cạnh "tình yêu", "con người", "lòng trắc ẩn", các nhà khoa học có một câu trả lời nằm ngoài dự đoán.
Thử tưởng tượng: Bạn sống trong thế giới cyberpunk kì ảo của Blade Runner, bạn bị người khác cáo buộc mình là một replicant – một robot tiên tiến có trí tuệ riêng chứ không phải con người, bạn được nêu lên một từ để chứng minh mình là người bằng xương bằng thịt. Bạn sẽ chọn từ gì?
Trong trường hợp bạn không biết phải làm gì, hãy đọc qua báo cáo khoa học của hai nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ Massachusetts MIT. Họ đã dựng lên một "bài thử Turing tối giản" cho bạn tham khảo.
Bài thử Turing được nhà khoa học đại tài Alan Turing tạo ra hồi năm 1950, xoay quanh việc một cỗ máy sử dụng các câu thoại để thuyết phục người đang nói chuyện với nó rằng nó là người thật. Bài thử Turing Tối giản lược hết những thứ rườm rà, chỉ cần bạn nêu lên đúng 1 từ thôi, có thể chọn ngẫu nhiên hoặc chọn ra từ một cặp từ cho trước, tùy bạn.
Hai nhà nghiên cứu là John McCoy và Tomer Ullman nói rõ rằng Bài thử Turing Tối giản không phải là mốc làm chuẩn cho tiến trình phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), nó chỉ là một cách để xem con người coi mối quan hệ của họ với máy móc ra sao. Thắc mắc này sẽ ngày một xuất hiện nhiều hơn, khi mà xung quanh ta đang xuất hiện ngày một nhiều trợ lý ảo, những con bot có khả năng trò chuyện, những hệ thống tự động trả lời tin nhắn hay email. Vậy trong một thế giới con người cùng chung sống với máy móc, điều gì làm chúng ta khác biệt với những thứ vô tri kia?
Trong hai bài thử đầu tiên của McCoy và Ullman, 936 người tham gia được yêu cầu chọn ra bất kì từ nào họ thích, để chứng minh rằng mình là con người. Dù có một số lượng từ khổng lồ, kết quả lại xoay quanh những chủ đề cụ thể.
"Love - tình yêu" được chọn nhiều nhất.
Bốn kết quả thường thấy nhất là "love – tình yêu" với 134 người chọn, "compassion – lòng trắc ẩn" với 33 người chọn, "human – con người" với 30 người chọn và "please – làm ơn" với 25 người chọn. Bốn từ vừa nêu chiếm khoảng 24% tổng số kết quả nhận về.
Phần lớn những từ còn lại thuộc nhóm thấu cảm (như "cảm xúc", "cảm nhận" hay "đồng cảm"), và thuộc nhóm đức tin hay sự tha thứ (như "lòng khoang dung", "hi vọng", "thần thánh").
Trong tổng số 936 câu trả lời, các nhà nghiên cứu thu về 428 từ.
Trong bài thử thứ hai, 2.405 người tham gia sẽ chọn ra một kết quả trong cặp từ cho trước. Không ngoài dự đoán, những từ như "tình yêu, "con người" và "làm ơn" lại một lần nữa được chọn nhiều. Nhưng ngoài dự đoán, từ được chọn nhiều nhất lại đơn giản hơn bạn nghĩ nhiều: đó là "poop – phân". Phần lớn trong số 2.405 người tham gia bài thử đã quyết định rằng "phân" là từ phản ánh chính xác nhất bản chất của con người. Cũng đúng, robot đâu có biết đi nặng.
Trong buổi phỏng vấn với The Verge, nhà nghiên cứu McCoy nhấn mạnh rằng Bài thử Turing Tối giản thiên về tâm lý con người hơn là khoa học máy tính.
"Tôi không nghĩ bài thử này sẽ thành CAPTCHA mới đâu", McCoy nói. "Ứng dụng thực tiễn của nó có lẽ nghiêng nhiều về mặt thiết kế giao diện hay những thứ tương tự vậy. Với những khía cạnh đó, việc biết được cách nghĩ của người đối với máy, cách con người phân biệt mình với cỗ máy vô tri mới thực sự hữu ích".
Bài thử Turing nguyên bản, với bản chất để thử độ thông minh của một cỗ máy, đã không còn được dùng nhiều trong khoa học máy tính. Các nhà phê bình nói rằng bài thử hiệu quả hơn khi thử các lập trình viên, xem khả năng tìm ra lỗ hổng của họ cao tới đâu.
Hồi năm 2014, đã xuất hiện tin Bài thử Turing bị một con chatbot đánh bại. Các lập trình viên đã đánh lừa những người thực hiện bài thử bằng cách "cải trang" con bot dưới dạng một cậu bé Ukraina 13 tuổi, có tên Eugene Goostman. Một vỏ bọc hoàn hảo, che mờ được những lỗi lầm con bot mắc phải cũng như việc nó không trả lời được những câu hỏi nhất định.
Nhà khoa học máy tính Gary Marcus nhận định rằng: "Chiến thắng của Goostman không phải là bước đầu tiên cho một trí tuệ nhân tạo đô hộ con người, hay mở đầu một nền văn hóa riêng của robot, mà là việc ta có thể lừa người dùng dễ dàng ra sao".
Không còn được ứng dụng nhiều không có nghĩa là Bài thử Turing vô dụng hay mất đi giá trị vốn có. Để tạo ra một chương trình máy tính trò chuyện được với con người một cách hiệu quả vẫn là bài toán khó của khoa học máy tính, và khi đạt được thì sẽ đem lại những ứng dụng không kể hết được. Bản thân bài thử vẫn là một ví dụ thú vị, mở đường cho ta tìm những câu trả lời cho những khúc mắc xoay quanh bản chất của trí thông minh.
Với lối suy nghĩ như vậy, ta cũng coi Bài thử Turing Tối giản là một thí nghiệm tưởng tượng, chứ không phải điểm nhấn trong quá trình phát triển AI. Nhà nghiên cứu McCoy nói rằng điều làm ông bất ngờ nhất chính là các câu trả lời có sức sáng tạo gần như vô hạn. "Người ta nghĩ ra đủ câu trả lời thú vị, đủ các trò chơi chữ".
"Bài thử cho ta thấy một phần khoảng cách giữa nhân loại và một con robot thông minh. Những người chưa từng làm bài thử mà vẫn ngay lập tức nghĩ ra được những câu trả lời vừa thông minh lại vừa hóm hỉnh", McCoy kết luận. Đó chính là thứ máy móc chưa bao giờ có được.
Tham khảo The Verge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Các nhà khoa học quốc tế bất ngờ tìm thấy một loài bọ biển siêu khổng lồ, hoàn toàn mới ở Việt Nam, nhưng không phải dưới đáy biển, mà trong nhà hàng hải sản
Tới một nhà hàng hải sản ở Hà Nội, các nhà khoa học bất ngờ phát hiện một loài bọ biển siêu khồng lồ đang được bán ở đây. Họ đã mua nó về nghiên cứu và báo cáo với cả thế giới rằng đây là một loài hoàn toàn mới.
Samsung đích thân "nhá hàng" smartphone màn hình gập ba đầu tiên, sẽ ra mắt trong năm nay